Thành phần Hội đồng xét xử dự kiến gồm: 1 Thẩm phán, 2 Hội thẩm Nhân dân và 3 Kiểm sát viên đại diện cho VKSND TP Hà Nội tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 10/12 đến 12/12/2020).
10 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội ), Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1973, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1975, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội); Hoàng Kim Thư (SN 1987, Kế toán trưởng, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội); Lê Xuân Tuấn (SN 1982, cán bộ CDC Hà Nội); Nguyễn Ngọc Nhất (SN 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (SN 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông).
Trong số 10 bị cáo, có bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và 5 bị cáo khác bị tạm giam, 4 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tổng số 27 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có 3 luật sư bào chữa.
Trong phiên tòa này, CDC Hà Nội được triệu tập với tư cách bị hại. Đại diện Công ty MST và Công ty thiết bị y tế Phương Đông được triệu tập với vai trò là tổ chức, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, Tòa cũng triệu tập đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Y tế, Đại diện Sở Y tế Hà Nội; 9 cá nhân, tổ chức là người làm chứng...
Như Báo BVPL đưa tin trước đó, theo cáo trạng của VKSND tối cao, CDC Hà Nội là đơn vị công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội và trong tháng 2 vừa qua được cấp hơn 31 tỉ đồng kinh phí bổ sung nhằm mua thiết bị phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, CDC Hà Nội mua các thiết bị của gói thầu số 15 gồm hệ thống Realtime PCR tự động, máy tách chiết DNA/RNA, 1 tủ lạnh và 1 tủ mát.
Bị can Nguyễn Nhật Cảm là Chủ tịch Hội đồng mua sắm của CDC Hà Nội đã câu kết với nhân viên, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân để tự thỏa thuận giá gói thầu số 15. Cụ thể, bị can Nguyễn Ngọc Nhất đã hứa sẽ chi cho Nguyễn Nhật Cảm 15% giá trị (trước thuế) của máy Realtime PCR tự động.
Kết quả, gói thầu này được định giá hơn 9,5 tỉ đồng. Nguyễn Nhật Cảm sau đó yêu cầu nhân viên dưới quyền ở CDC Hà Nội hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu để Cty MST của bị can Vinh trúng gói thầu số 15.
Sau khi vụ án được khởi tố, Hội đồng định giá tố tụng Trung ương xác định các tài sản trong gói thầu số 15 có giá thị trường là hơn 4,1 tỉ đồng. Như vậy, hành vi của 10 bị can trong vụ gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng.
Trong vụ án này, VKSND tối cao xác định, bị can Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ định thầu gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch. Bị can Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm thiết bị y tế.
Khi thực hiện, cựu Giám đốc CDC Hà Nội là người ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với doanh nghiệp. Hành vi của bị can Cảm đã tạo điều kiện cho bị can Nguyễn Trần Duy (Cựu Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) làm giả hồ sơ để hợp thức hóa các thủ tục chỉ định thầu.
Giai đoạn điều tra, cơ quan tố tụng đánh giá bị can Nguyễn Nhật Cảm khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội và cùng các bị can khắc phục được thiệt hại của vụ án.
Cơ quan truy tố xác định có trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên khác thuộc CDC Hà Nội và một số doanh nghiệp tư nhân nhưng sai phạm của họ có vai trò thứ yếu, không hưởng lợi… nên không bị xử lý hình sự.
Ngoài gói thầu số 15 nói trên, CDC Hà Nội còn thực hiện đấu thầu 16 gói mua thiết bị, vật tư khác trị giá hơn 81 tỉ đồng và đã thanh toán hơn 69 tỉ đồng. Có 2 gói thầu thiết kế, in ấn và phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng, chống COVID với giá trị hơn 1,9 tỉ đồng cũng được CDC Hà Nội thực hiện và đã thanh toán hơn 1,3 tỉ đồng.