Ngày 30/8, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan (SN 1970), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) cùng 10 bị cáo khác liên quan đến sai phạm tổ chức “quân xanh, quân đỏ” dìm giá đất trong vụ đấu giá quyền sử dụng đất, xảy ra tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước số tiền hơn 135,5 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Hội đồng xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.

Trước đó, vụ án đã được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử trong các ngày từ 17 - 22/4/2024. Sau quá trình xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số nội dung như: Giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và xác minh tài liệu liên quan đến Điều tra viên Bùi Đức Hiếu; xem xét lại hành vi và tội danh của bị cáo Trần Công Tuyên; Xem xét lại hành vi và tội danh của bị cáo Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê; xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; Xem xét, đánh giá và cơ sở ban hành chứng thư thẩm định giá của Công ty VNG…

Ngày 17/6/2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có Kết luận điều tra bổ sung, trong đó nêu: Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết quả làm việc với các luật sư tham gia bào chữa cho Nguyễn Thị Loan trong giai đoạn điều tra có đủ căn cứ xác định các biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung do Điều tra viên Bùi Đức Hiếu thực hiện không bị cắt ghép.

Đối với Trần Công Tuyên, Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm xử lý về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”; Đối với Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê, Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Đối với một số cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản, Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm xử lý trước đó.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.

Sau khi có Kết luận điều tra bổ sung, VKSND TP Hà Nội đã xem xét và đánh giá các nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án đã được đánh giá đầy đủ, rõ ràng trong Cáo trạng số 28 ngày 16/1/2024 của VKSND TP Hà Nội. Do vậy, VKSND TP Hà Nội giữ nguyên quan điểm truy tố theo bản cáo trạng nêu trên và chuyển lại hồ sơ vụ án đến TAND TP Hà Nội để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, ngày 27/2/2020, UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 rồi giao cho UBND huyện Đông Anh công khai và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất, trong đó, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) phía Đông Nam, thuộc thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, có diện tích hơn 49.000 m2.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Thị Loan tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.

Ngày 28/2/2020, UBND huyện Đông Anh phê duyệt Kế hoạch đấu giá QSDĐ năm 2020, trong đó có lô đất xây dựng nhà ở, diện tích hơn 16.000 m2, thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá QSDĐ phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương; đồng thời giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Đông Anh đứng ra tổ chức đấu giá QSDĐ lô đất hơn 16.000 m2 nêu trên.

Nắm bắt được thông tin đấu giá nêu trên, Nguyễn Thị Loan đã tìm mọi cách để “thâu tóm” lấy được lô đất hơn 16.000 m2, bằng cách thông đồng với một số cá nhân là cán bộ, nhân viên Ban QLDA ĐTXD huyện Đông Anh, Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Công ty VVAI), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội để lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Sau đó, sử dụng 3 pháp nhân, gồm: Công ty BĐS Bắc Từ Liêm, Công ty BĐS Thanh Trì và Công ty BĐS Mỹ Đình do Loan toàn quyền chỉ đạo, điều hành để nộp hồ sơ tham gia đấu giá lô đất nêu trên.

Tại vòng nộp hồ sơ, tổng số có 6 doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá. Đến vòng duyệt hồ sơ, có 2 trong số 6 doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia đấu giá, 1 doanh nghiệp xin rút giữa chừng, chỉ còn lại 3 công ty nêu trên của Nguyễn Thị Loan.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa sáng 30/8. Ảnh: Hồng Nguyên.

Để chắc chắn trúng đấu giá với giá thấp nhất có thể, trước khi phiên đấu giá diễn ra, Nguyễn Thị Loan chỉ đạo thuộc cấp bỏ giá theo phương án đã tính toán từ trước. Theo đó, ở ba vòng đầu, cả 3 công ty bỏ giá bằng nhau; đến vòng thứ tư, 3 công ty đều không trả giá nữa, buộc đơn vị tổ chức đấu giá phải lựa chọn người trúng đấu giá bằng cách bốc thăm.

Bằng chiêu trò nêu trên, Công ty BĐS Bắc Từ Liêm đã trúng đấu giá khu đất hơn 16.000 m2 với giá hơn 326,8 tỉ đồng, tương đương hơn 20,2 triệu đồng/m2,

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hà Nội xác định, giá trị thực tế của khu đất tại thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá (tháng 10/2020) là hơn 28,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 462,4 tỉ đồng.

Căn cứ Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định, quá trình định giá đất, xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Nguyễn Thị Diệu Linh, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Đức Phương, Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy đã thỏa thuận, thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất; Bùi Thanh Huyền, Nguyền Thị cẩm Lê đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra chứng thư thẩm định giá đất của Công ty VVAI, chấp thuận các tài liệu trong Chứng thư thẩm định giá và kết quả thẩm định giá của Công ty VVAI với giá 17,6 triệu đồng/m2, dẫn đến việc Hội đồng định giá của TP Hà Nội xác định giá khởi điểm thấp hơn nhiều giá trị thực, đã tạo điều kiện để Nguyễn Thị Loan sử dụng các Công ty của mình tham gia đấu giá, thực hiện hành vi thông đồng dìm giá, để trúng đấu giá với giá trị thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước số tiền hơn 135,5 tỉ đồng.

Hồng Nguyên