Có thể nói, trong hàng nghìn vụ án được xét xử mỗi năm, chuyện bị cáo được tuyên vô tội là vô cùng hiếm, thể hiện sự sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, đồng thời, cũng "ghi nhận" sự bào chữa cho bị cáo của các luật sư.

 

 

Những ngày gần đây, dư luận và những người quan tâm đến "kỳ án vườn mít" chưa hết xôn xao với kết quả sau bảy năm bị giam giữ, ngày 24-5-2011, bị cáo Lê Bá Mai, 29 tuổi, quê huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa -  người hai lần bị kết án tử hình về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em, đã được TAND tỉnh Bình Phước tuyên vô tội, trả tự do ngay tại phiên tòa.

 

Có thể nói, trong hàng nghìn vụ án được xét xử mỗi năm, chuyện bị cáo được tuyên vô tội là vô cùng hiếm, thể hiện sự sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, đồng thời, cũng "ghi nhận" sự bào chữa cho bị cáo của các luật sư. Sau khi nghe thân chủ được tuyên vô tội, luật sư Phan Long Ẩn, Đoàn Luật sư tỉnh Long An - một trong hai luật sư bảo vệ miễn phí cho bị cáo Lê Bá Mai đã dành cho PV báo PL&XH cuộc trò chuyện thân mật.

 

vuonmit
Luật sư Phan Long Ẩn

 

- Có thể nói, trong cuộc đời của mỗi luật sư, bào chữa cho bị cáo trắng án là những "kỷ niệm để đời", ông có thể nói đến cái "duyên" đã khiến ông nhận lời bào chữa cho Lê Bá Mai? Ông có nghe nói đến vụ kỳ án này trước khi nhận lời thân chủ? Lê Bá Mai hay người thân của bị cáo mời ông bào chữa?

 

+ Trong một vụ án kinh tế, tôi bảo vệ cho thân chủ là một đồng hương của tôi. Trong số những người quan tâm và theo dõi vụ án có ông Dương Bá Tuân là bạn của thân chủ tôi. Ông Tuân là ông chủ trang trại, nơi Mai làm việc, cũng là người đã rất dày công giúp Mai chứng minh mình bị oan. Sau khi Mai bị Tòa án Bình Phước phạt mức án tử hình tại cấp sơ thẩm lần thứ nhất, ông Tuân nhờ tôi bào chữa giúp Mai miễn phí, tôi nhận lời ngay. Khi nhận lời với ông Tuân, tôi không biết là Mai phạm tội gì vì chưa tiếp xúc hồ sơ vụ án. Lúc đó, còn đúng hai ngày là hết hạn kháng cáo của Mai.

 

- Ngay khi tiếp cận hồ sơ, ông có cho rằng Mai vô tội? Vì tin Mai vô tội, hay vì hoàn cảnh của Mai mà ông và luật sư Trịnh Thanh nhận lời bào chữa miễn phí?

 

+ Như đã nói, tôi nhận bào chữa cho Mai lúc sắp hết hạn kháng cáo bản án sơ thẩm lần thứ nhất. Tôi rất khó khăn để giúp Mai làm đơn kháng cáo. Rất may mắn là nhờ đoàn thanh tra của Bộ Tư pháp đến thanh tra trại giam vào đúng dịp này, biết Mai bị kết án tử hình mà lại chưa kháng cáo nên đã giúp Mai được làm đơn kháng cáo.

 

 

Anh Lê Bá Mai nhận quyết định trả tự do

 

Ngay khi tiếp xúc hồ sơ, tôi đã thấy cáo trạng có nhiều điểm không phù hợp so với hồ sơ, với các tình tiết của vụ án. Đáng nói, lời khai nhận tội của bị cáo như là một sự sắp đặt không hoàn hảo, có nhiều mâu thuẫn với nhau về chứng cứ, giám định và nhiều vấn đề khác. Nên tôi nghi ngờ lời khai nhận tội của Mai là do người khác chỉ bảo, chứ không phải là sự thật. Vì lẽ đó nên tôi và luật sư Thanh muốn làm cho ra lẽ, chúng tôi bào chữa miễn phí là vì vậy chứ không phải vì hoàn cảnh nào hết.

 

- Khẳng định một bị cáo vô tội là đi ngược lại quan điểm của cơ quan điều tra, truy tố. Chắc chắn luật sư đã gặp không ít khó khăn khi tìm hiểu và chứng minh quan điểm của mình? Đã có lúc nào ông thấy nản và muốn "buông xuôi"?

 

+ Trong các lần hỏi cung (sau khi có quyết định Giám đốc thẩm) thì Mai không hề nhận tội. Chỉ đến khi VKS giao Cáo trạng (không có chúng tôi dự) thì Mai lại nhận tội. Sau đó tôi có dự cuộc hỏi cung lần cuối cùng, tôi thấy lời khai nhận tội này của Mai hoàn toàn không phù hợp với các chứng cứ khác. Lúc đó tôi đã có ý định dùng mâu thuẫn này làm nội dung chính để tranh luận với bên buộc tội.

 

Vì nắm được mâu thuẫn đó nên tôi tin là không đủ chứng cứ để kết tội Mai và tôi không thấy nản lòng mà muốn làm cho ra lẽ, chứng minh sự thật của vụ án.

 

- Dưới góc nhìn của một luật sư, ông đánh giá thế nào về quan điểm buộc tội của cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong vụ án này? Cũng dưới góc nhìn của luật sư, ông có muốn nói gì với các cơ quan báo chí khi thông tin về vụ án?

 

+ Trong vụ án nầy theo tôi thì lời buộc tội và cách chứng minh Lê Bá Mai phạm tội của CQĐT và VKS không vững chắc và có tính suy đoán Mai phạm tội là chính, mà không chứng minh được cụ thể. Suy đoán này lại không phù hợp với thực tế, như: Nhân chứng nhìn người cách 100 mét không thể nhầm, trong khi nhìn màu trắng và xanh có thể nhầm? Chưa nói là không thể suy đoán một người phạm tội.

 

Đưa ra quan điểm buộc tội là nghiệp vụ của CQĐT và truy tố. Nhưng có những điều cho thấy việc điều tra đã thiếu toàn diện, khách quan như biên bản hiện trường ghi là có bốn sợi tóc, nhưng lại không được thu thập, cũng không xác định xem chứng cứ này có liên quan đến vụ án hay không mà VKS lại lập luận rằng do trước đó có mưa, và tóc không có chân, không có giá trị chứng minh, nên không thu thập… Hay biên bản hiện trường ghi thu giữ một đôi dép Lào và chiếc quần quấn quanh cổ nạn nhân, nhưng lệnh nhập kho lại ghi là một đôi dép nhựa màu xanh và một cái quần màu trắng đục đã cũ; còn phiếu nhập kho tang chứng lại ghi một đôi dép màu trắng đã cũ… Nhân chứng là bé Hằng khai người chở Út đi có mang theo bình xịt màu xanh và bình nước đá màu đỏ. Tuy nhiên, lời khai nhận tội của Mai (sau khi bản án bị hủy) lại cho rằng lúc đó mình mang theo bình xịt inox màu trắng và can nhựa màu đỏ sẫm...

 

Tôi thật sự không có ý nói gì với các cơ quan báo chí khi thông tin về vụ án này. Điều tôi mong muốn là báo chí thông tin đầy đủ và đúng.

 

- Đây là lần đầu ông được nghe thân chủ của mình được tuyên vô tội. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

+ Trong khi chờ Tòa tuyên án, tôi tin là không thể kết tội Mai, nên khi nghe Tòa tuyên Mai không phạm tội, tôi không bất ngờ. Cảm xúc của tôi là rất vui, thấy mình không uổng công gần sáu năm theo đuổi vụ án.

- Nếu VKS kháng nghị bản án sơ thẩm, ông sẽ tiếp tục bảo vệ Mai?

+ Chắc chắn rồi, nếu VKS kháng nghị, hay bị hại kháng cáo, tôi sẽ tiếp tục bảo vệ cho Mai. 

- Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

 

Diễn biến vụ kỳ án

 




Cuối năm 2004, người dân phát hiện một xác chết trong khu vườn mít ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Nạn nhân được xác định là Út (11 tuổi, dân tộc S'Tiêng) chết được khoảng năm ngày. Từ lời khai của Hằng (9 tuổi), Lê Bá Mai - người làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân bị bắt ngay sau đó. Theo Cáo trạng, sáng 12-11-2004, trong lúc đang rải phân cho cây, Mai phát hiện thấy Út và Hằng đang đi mót sắn cách chỗ Mai khoảng 50m. Thấy vậy, Mai dùng xe gắn máy đến rủ riêng Út đi nơi khác. Đến khu vườn mít, cách nơi Út mót củ sắn khoảng 80m, Mai đã thực hiện hành vi đồi bại. Sau đó, Mai dùng quần của Út thắt cổ nạn nhân cho đến chết rồi quay về chòi tắm rửa, ăn cơm…


- Tháng 3-2005, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm vụ án, tuyên Mai mức án tử hình về hai tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người".


- Tháng 8-2005, TANDTC tại TP.HCM xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm.

- Cuối năm 2006, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm vụ án do có quá nhiều vi phạm tố tụng. Ngày 22-5-2007, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ra quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.

- Ngày 13-7-2010, TAND Bình Phước đã mở lại phiên tòa sơ thẩm (lần hai) và tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.


- Ngày 24-5-2011, TAND Bình Phước tuyên Lê Bá Mai vô tội.


 

Hải Lý (PL&XH)