8h30’ ngày 5/10/2010, Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân quận 5, TP HCM đã mở phiên sơ thẩm, xét xử vụ mất 5kg vàng xảy ra trong xe khách của ông Ký Hương trên đường từ TP HCM đi Sóc Trăng vào ngày 16/2/2005. Vụ án kéo dài hơn 5 năm và đã 3 lần tòa hoãn xử vì có nhiều tình tiết phức tạp, cần làm rõ…
Phiên tòa được chủ tọa bởi ông Thẩm phán Nguyễn Thanh Sang cùng hai Hội thẩm Nhân dân là bà Nguyễn Thị Hồng Hoa và bà Lê Kiều Mộng Thúy. Về phía nguyên đơn, ông Trần Tuấn Hiệp là người đại diện cho bà Quách Thị Lan Anh, chủ doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hưng và ông Nhâm Tấn Hưng. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Anh, ông Hưng là Luật sư Lê Quang Minh.
Phía bị đơn là Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Chợ Lớn (Cty CPVBĐQCL), đại diện là ông Nguyễn Bác Năng. Những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan như ông Phạm Thanh Ngàn - được Luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ, ông Ký Hương, được Luật sư Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Bảo Trâm bảo vệ, bà Lưu Ngọc Kinh, được Luật sư Phùng Thị Hòa bảo vệ...
Sau khi Hội đồng xét xử thẩm vấn lý lịch nguyên đơn, bị đơn cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Bác Năng, đại diện Cty CPVBĐQCL phát biểu: "Ông Nhâm Tấn Hưng nhờ ông Phạm Thanh Ngàn chuyển 5kg vàng và 841 triệu đồng từ TP HCM về Sóc Trăng, rồi xảy ra mất mát là chuyện cá nhân của ông Hưng và ông Ngàn. Công ty đã giao vàng đầy đủ nên công ty không chịu trách nhiệm".
Luật sư Phan Trung Hoài phát biểu tiếp: "Trước khi xảy ra mất 5kg vàng, ông Nhâm Tấn Hưng và ông Phạm Thanh Ngàn đã 2 lần mua bán vàng theo hình thức bên đưa tiền, bên gửi vàng theo xe nên đã tin tưởng lẫn nhau. Lần gửi này, gói vàng, tiền đã được giao cho bà Kinh và có biên nhận.
Khi xảy ra chuyện mất vàng, nhà xe đã có đơn trình báo Công an Cần Thơ, Công an Sóc Trăng. Vì vậy ông Phạm Thanh Ngàn có 2 nguyện vọng: Một là, nhà xe phải trả lại nguyên trạng gói hàng, từ đó mới có cơ sở xác nhận bên trong gói hàng có vàng, tiền hay không. Hai là, Cơ quan Công an phải trả lời rõ, là kết quả giải quyết vụ án đến đâu thì mới có cơ sở để giải quyết vụ án dân sự".
|
Các luật sư đang trao đổi tại tòa. |
Vì sao mất vàng?
Diễn tiến vụ việc cho thấy: Ngày 14/2/2005, ông Nhâm Tấn Hưng, chủ tiệm vàng Vĩnh Hưng, ở Sóc Trăng mang 1,9 tỉ đồng đến Cửa hàng VBĐQ số 1, ở số 36 đường Lê Quang Sung, quận 6, TP HCM (trực thuộc Cty VBĐQCL - lúc này công ty chưa cổ phần hóa), để mua vàng về chế tác, kinh doanh. Khi biết giá vàng đang cao, ông Hưng không mua, nhưng gửi lại 1,9 tỉ đồng (có làm biên nhận) cho anh Phạm Thanh Ngàn - là kỹ thuật viên và mậu dịch viên cửa hàng, chờ giá xuống.
Đến ngày 16/2, giá vàng hạ, ông Hưng liền đặt mua 1.333,3 chỉ (tương đương 5kg), tổng cộng 1,067 tỉ đồng. Số tiền còn lại (841 triệu), ông Hưng đề nghị anh Ngàn gửi cả vàng lẫn tiền về Sóc Trăng cho ông, thông qua xe khách của ông Ký Hương, do anh Đặng Hoàng Sơn và vợ là Lưu Ngọc Kinh phụ trách giao nhận.
Bà Kinh tường thuật quy trình này như sau: Mỗi khi có khách gửi hàng, bà bỏ vào thùng đạn đại liên của Mỹ (nếu là hàng nhỏ, gọn), hoặc để ở ngoài rồi giao cho tài xế. Tiền cước phí bà gửi về cho ông Ký Hương sau khi đã trích ra phần trăm hoa hồng mà ông Ký Hương dành cho bà. Khi xe về tới Sóc Trăng, người nhận sẽ gặp nhà xe để lấy...
Nhận được yêu cầu của ông Nhâm Tấn Hưng, anh Phạm Thanh Ngàn liền báo cho ông Nguyễn Bác Năng, là cửa hàng trưởng. Và mặc dù trước tòa cũng như trong hồ sơ, Phạm Thanh Ngàn đều khẳng định rằng 5kg vàng là 1.333,3 chỉ nhưng ông Nguyễn Bác Năng lại khai Cty VBĐQCL xuất cho anh Ngàn... 135 lượng (là 1.350 chỉ - thừa ra so với yêu cầu 16 chỉ 7 phân (?!).
Theo lời khai của Phạm Thanh Ngàn, tất cả số vàng này, anh ta bỏ vào trong một tờ giấy dầu, chung quanh chèn 841 triệu rồi gói lại, bên ngoài quấn băng keo. Sau đó, vẫn theo Phạm Thanh Ngàn, thì một người bà con xa cùng quê, tên là Phan Văn Đạt chở Ngàn bằng xe gắn máy, Ngàn ngồi sau ôm gói vàng, tiền đến điểm giao nhận hàng hóa của hãng xe khách ông Ký Hương. Tuy nhiên trước tòa, Phạm Thanh Ngàn lại khai rằng mình là người chạy xe, còn Đạt ngồi sau ôm vàng. Tòa hỏi về tình tiết này, Ngàn trả lời: "Lâu quá, tôi không nhớ".
Đến điểm giao nhận hàng hóa của bà Lưu Ngọc Kinh, Phạm Thanh Ngàn nhờ Phan Văn Đạt cầm gói vàng, tiền vào giao cho bà Kinh. Luật sư Lê Quang Minh chất vấn: "Anh là người ngồi sau xe, sao anh không vào giao mà anh lại nhờ Đạt?". Phạm Thanh Ngàn trả lời: “Tôi cũng không nhớ tại sao. Tôi đã làm xong việc anh Nhâm Tấn Hưng nhờ - là mua vàng rồi gửi vàng cùng số tiền còn thừa về Sóc Trăng - nên tôi không còn trách nhiệm".
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm chất vấn: "Ông là thủ quỹ, ông có biết các nguyên tắc giao nhận không?". Phạm Thanh Ngàn đáp: "Tôi biết, tôi nhận thức được giá trị gói hàng". Luật sư Bảo Trâm: "Vậy tại sao ông không vào giao vàng, mà lại nhờ ông Đạt?". Ông Ngàn trả lời: "Từ chỗ dừng xe đến chỗ giao gần nhau nên tôi nhờ Đạt".
Theo lời khai của bà Lưu Ngọc Kinh trước tòa, thì hôm ấy bà nhận của khách tổng cộng 13 gói hàng. Trong số này có 8 gói (gồm cả gói đựng vàng, tiền), bà cho vào một thùng đựng đạn đại liên của Mỹ, có khóa. 2 gói khác, bà bỏ vào một bao màu đỏ. 3 gói còn lại, bà để bên ngoài. Toàn bộ 13 gói hàng ấy được tài xế xe trung chuyển là anh Tư Ngọc, đưa từ trạm Nguyễn An Khương, quận 5 đến Bến xe miền Tây, bàn giao đầy đủ cho tài xế xe khách 83N-0537 của ông Ký Hương, là anh Nguyễn Văn Hoàng.
Tuy nhiên, trong biên nhận mà bà Kinh đưa cho Phan Văn Đạt, thì tên người gửi hàng không phải là Phan Văn Đạt, cũng không phải là Phạm Thanh Ngàn, mà là... Phạm Phong Phú, anh ruột Phạm Thanh Ngàn.
Giải thích về chuyện này, bà Kinh, nói: "Do anh Ngàn yêu cầu. Lúc anh Đạt đưa gói hàng cho tôi, tôi hỏi đó là cái gì. Anh Đạt nói cứ đem về đưa cho ông Nhâm Tấn Hưng". Tài xế Nguyễn Văn Hoàng khai: "Thùng đạn đại liên cùng những gói hàng, tôi nhét dưới gầm ghế phía sau cùng, ở cuối xe. Đúng 13 giờ, tôi cho xe xuất bến và khi xe qua phà Cần Thơ, tôi mở cửa xe, xuống đi tiểu. Vì xe khách loại Ford Transit có hệ thống khóa trung tâm, hễ mở khóa thì tất cả các cửa xe đều được mở".
Khi xe qua khỏi phà, rồi dừng lại ở cổng chào để đợi khách, thì thấy thiếu người khách ngồi ghế số 7. Một người đi trên xe - là ông Dũng cho biết: Khách ngồi ghế số 7 xuống xe lúc còn trên phà, rồi mở cửa sau lấy đồ. Chính ông đã thấy người khách bí ẩn ấy đưa chiếc thùng đạn đại liên từ gầm ghế ra, và ông tưởng đó là đồ đạc của họ.
Trước tòa, ông Nguyễn Nguyên Ngọc, là nhân viên bán vé xe cho hãng xe khách Ký Hương, nói: "Chuyến xe hôm đó đa số là khách quen, chỉ có người khách số 7 là lạ". Một tình tiết nữa: Người khách số 7 này đến phòng bán vé từ rất sớm, nhưng ngồi uống cà phê, đọc báo rồi đợi lúc xe trung chuyển mang thùng đạn đại liên đựng hàng đến, thì anh ta mới mua vé xe, lên xe.
Cũng cần nói thêm rằng trong tất cả các chuyến xe của Hãng Ký Hương từ TP HCM đi Sóc Trăng mỗi ngày, thì theo quy định của ông Ký Hương, chỉ có chuyến xuất bến lúc 1 giờ trưa, là chuyến được chở theo hàng do khách gửi.
|
Một số người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến dự tòa. |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Phát hiện ra việc mất thùng đạn đựng 5kg vàng và 814 triệu đồng, khi phà cập bến phía Cần Thơ, tài xế Nguyễn Văn Hoàng đã trình báo cho Ban quản lý và Công an bến phà. Ngay sau đó, Công an TP Cần Thơ đã tiến hành lấy lời khai của những hành khách ngồi trên xe, kiểm tra phà đồng thời Ban quản lý bến phà cho một canô chạy theo chiếc phà vừa rời bến để xem kẻ trộm có theo chiếc phà này hay không, nhưng không thấy.
Trước tòa, Luật sư Nguyễn Xuân Mai đưa ra một tấm hình minh họa, chụp thùng đạn đại liên của Mỹ, rồi chất vấn tài xế Hoàng: "Với kích thước như thế này, thì lấy nó ra khỏi gầm ghế đâu phải dễ dàng?". Tài xế Hoàng, đáp: "Lúc đó tôi đi tiểu nên... không biết!".
Tài sản bị mất quá lớn, uy tín nhà xe bị ảnh hưởng nặng nề, ông Ký Hương và anh Nhâm Tấn Hưng một mặt gửi đơn đến Công an tỉnh Sóc Trăng, Công an TP Cần Thơ đề nghị điều tra làm rõ, mặt khác anh Hưng gặp gỡ Cửa hàng VBĐQ số 1, nhưng lãnh đạo cửa hàng cho rằng, mình không còn trách nhiệm vì hàng đã được giao.
Một điều kỳ lạ là 2 ngày sau khi xảy ra vụ 5kg vàng và 841 triệu đồng của anh Nhâm Tấn Hưng "bốc hơi", thì cửa hàng Tuyết Mai, ở số 5/86 đường Long Phú, và cửa hàng Chương Ký, số 41 đường Hoàng Diệu, thị xã Sóc Trăng bất ngờ nhận được 2 gói hàng của mình - chỉ gồm những thứ ít giá trị - mà trước đó đã gửi theo xe 83N-0537 vào ngày 16 (cũng bỏ chung vào thùng đạn đại liên và cũng đã mất). Nhưng lần này, nó được gửi bằng xe của Hãng xe khách Thống Nhất, từ TP HCM về Sóc Trăng!
Về phía các cơ quan chức năng, thời điểm đó khi tiếp xúc với chúng tôi, Thượng tá Võ Minh Đức, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra - Công an Sóc Trăng cho biết: "Kết luận của Công an Sóc Trăng và Công an Cần Thơ đều khẳng định đây là vụ trộm có thật nhưng chưa rõ tài sản mất có đúng như lời khai của người bị hại hay không".
Theo Trung tá Đoàn Xuân Trường, lúc ấy là Phó phòng Cảnh sát điều tra - Công an Sóc Trăng thì nhiều lần Công an Sóc Trăng đề nghị Công an Cần Thơ khởi tố vụ việc, nhưng vẫn chưa thống nhất bởi lẽ ngày 26/8/2005, bà Bùi Ngọc Tỏ, Trưởng phòng Thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát thực hiện quyền công tố - Viện Kiểm sát nhân dân Cần Thơ có công văn trao đổi với Công an TP Cần Thơ.
Nội dung công văn này cho rằng vụ mất trộm xảy ra trên sông Hậu, chưa xác định thuộc địa phận Cần Thơ hay Vĩnh Long, người bị hại ở Sóc Trăng, phương tiện vận chuyển ở Sóc Trăng và lái xe cũng ở Sóc Trăng nên Công an Sóc Trăng làm thì thuận lợi hơn.
Đến đây, nếu căn cứ theo khoản 4, điều 110 của Bộ luật Hình sự, thì thẩm quyền điều tra thuộc về Công an TP Cần Thơ vì Công an TP Cần Thơ là đơn vị đầu tiên tiếp nhận, xử lý vụ việc. Để xác định rõ, cả hai đơn vị đều làm công văn gửi Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.
Ngày 25/9, Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an có văn bản trả lời Công an TP Cần Thơ, nêu ý kiến rằng đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng vì tài sản mất mát lớn. Mặc dù chưa xác định được địa giới hành chính nhưng Công an TP Cần Thơ phát hiện, thụ lý nên Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án là đúng quy định.
Nhưng đến nay, sau hơn 5 năm, vụ việc mới được đưa ra xét xử dân sự. Trong phần tranh luận, Luật sư Lê Quang Minh đưa ra yêu cầu: "Ông Nhâm Tấn Hưng đã thanh toán đủ tiền nhưng chưa nhận được vàng. Yêu cầu Cty CPVBĐQCL phải thanh toán đủ số vàng và tiền cho ông Hưng.
Ông Hưng không tính lãi". Luật sư Phan Trung Hoài, thì: "Đây là vụ án hình sự nhưng đến nay Cơ quan Công an chưa làm rõ, chưa có bất kỳ một kết luận nào. Đề nghị Tòa án nhân dân quận 5 chỉ xét xử dân sự tranh chấp giữa ông Hưng và Cty CPVBĐQCL"...
Cùng ý kiến nêu trên, Luật sư Bảo Trâm bổ sung thêm: "Ngoài lời khai của ông Phạm Thanh Ngàn, không hề có chứng cứ nào chứng tỏ trong cái gói đó có vàng, tiền. Đề nghị Tòa không chấp nhận yêu cầu của ông Ngàn, là nhà xe Ký Hương phải trả lại nguyên trạng gói hàng để xác định trong đó có vàng hay không...". Phát biểu sau cùng, ông Nguyễn Bác Năng, đại diện Cty CPVBĐQCL vẫn bảo lưu quan điểm rằng: "Công ty không có trách nhiệm đưa vàng xuống Sóc Trăng. Việc này là giữa anh Hưng và anh Ngàn".
15 giờ cùng ngày, Tòa tuyên bố: Đây là một vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên Tòa phải dành nhiều thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào lúc 14 giờ ngày 11/10/2010...
Vũ Cao ( ANTG )