Từ vụ án đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép gần 1000 bánh heroin, lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy càng nhận thấy rõ hơn mưu mô xảo quyệt của các đối tượng reo rắc "cái chết trắng": Để "bọc lót" cho nhau tránh cơ quan chức năng, chúng thường sử dụng, lôi kéo cả những người thân ruột thịt của mình cùng phạm tội với tiêu chí "có lợi cùng hưởng, gặp họa thì... mình mày nhận".

Đau lòng "nghề cha tuyền con nối"

Một ví dụ như lần chuyển ma túy năm 1996, đối tượng Nguyễn Văn Đoàn (đệ tử của Quyết) nhờ con trai 10 tuổi đem ma tuý đi ra công viên như thể đi chơi rồi vờ để quên gói đồ trên ghế đá cho đối tác đến lấy. Rồi cũng chính chú bé đó, được một người không quen biết đút cả bọc tiền vào trong áo, phình cả bụng rồi khệ nệ đi về nhà trong tiếng cười ngất ngây của bố.

Đường dây tội phạm ma túy này hoạt động theo "quy trình khép kín". Bản thân "ông trùm" Quyết được cha ruột, một đối tượng nghiện nặng và buôn ma túy "truyền nghề". Sau này, khi bị bắt, chính cha Quyết đã thừa nhận ở cơ quan điều tra rằng mình đã dẫn dắt con trai mình là Quyết và em trai vào con đường phạm tội. Chính vì thế, Quyết đã nghiện từ khi mới lớn.

Trong nhà của cha ở Điện Biên, lúc nào Quyết cũng trữ "hàng" để được giá hời thì đẩy đi. Thường thì sau khi đã thực hiện nhiều động tác thăm dò,  Quyết chỉ khách đến nhà cha, đưa cho cha đèn pin soi đường đem hàng về bán. Ma túy lúc đó là cả heroin và thuốc phiện, được Quyết để trong bao tải, ngoài bờ ao.

 

Lấy vào nhà, Quyết giao nhiệm vụ cho cha cảnh giới, có "động" thì phát tín hiệu. Con đang giao dịch bên trong, cha thấy công an ập vào thì báo hiệu, Quyết vứt bao ma túy xuống ao, nhảy xuống ao tẩu thoát trong đêm. Sau sự việc này, bị công an truy nã, Quyết không dám lộ mặt như trước mà rủ rê anh em, họ hàng cùng phạm tội để "làm giàu". Từ đó, Quyết, Tám phát triển ra nhiều nhánh tội phạm khác nhau.

 Tạo "việc làm" cho anh rể

Anh rể Quyết là Trần Ngọc Quỳnh nhưng chứng minh nhân dân lại tên là Trần Văn Dũng. Sau nhiều năm trốn truy nã, hắn trốn về quê "thấy chị gái và anh rể khổ quá nên không đành lòng". Biết anh rể cũng có tính "ham chơi hơn ham làm" nên Quyết đã sắp xếp cho anh rể một chân "giao liên", xách ma tuý đến điểm hẹn. Theo Quyết công việc này vừa nhẹ nhàng, lại kiếm được tiền.

Nhận được lời đề nghị, anh rể ngay lập tức đồng ý theo em vợ làm việc. Quỳnh được Quyết cho làm "giao liên", xách hàng thuê cho nhánh đường dây từ Lào về Định Hoá, Quan Hoá (Thanh Hoá) rồi mang về Nam Định.

 

Sau một thời gian làm "tôm tép", Quỳnh bắt đầu tập tọng muốn làm “ông chủ nhỏ” tham gia vào đường dây. Quyết đồng ý nhưng có giao kèo với anh rể là tuyệt đối bí mật và tuân thủ điều khiển của Quyết. Sau một thời gian ngắn "tích cực hoạt động", Quỳnh cũng được Quyết giao cho phụ trách một đường dây ở Thái Bình.

"Chiêu độc" đưa người thân cùng phạm tội nhiều khi đã "phát huy tác dụng", khiến các điều tra viên có lúc phải "vò đầu bứt tai" khi lấy lời khai. Khi bị bắt, chúng thường xác định "hi sinh đời bố, củng cố đời con", không muốn những người thân của mình bị lộ nên áp dụng "chiến thuật im lặng"; hoặc cũng có khi chúng mong chờ "chạy chọt" để thoát tội.

Để tìm "chìa khóa", Ban chuyên án yêu cầu tất cả các cán bộ tham gia giữ bí mật tuyệt đối, tất cả những người không tham gia chuyên án đều không biết các đối tượng được tạm giam ở đâu, diễn biến vụ việc như thế nào, ai là người trực tiếp tham gia phá án. Sau gần nửa năm trời, bị cô lập hoàn toàn, các đối tượng đã hiểu tội ác của mình "hết thuốc chữa" nên bắt đầu khai nhận.

Nước mắt "ông trùm"

Sau này, khi ngồi trong buồng biệt giam sợ ngày thi hành án tử hình, các "ông trùm" mới cay đắng nhận ra kết cục bi thảm của chúng: Người thân cùng tham gia đường dây đều "hội ngộ" tại nhà giam; chẳng tên nào mang về cho vợ con, bố mẹ được đồng tiền, cắc bạc nào.

Nguyễn Văn Tám là một ví dụ tiêu biểu minh chứng quy luật này. Hắn nổi tiếng vì tính ki bo, tằn tiện, chỉ có đam mê duy nhất là nhìn, đếm tiền, ngắm vàng. 3 ngôi nhà của Tám ở Điện Biên, Hà Nội và Hải Phòng đều là những ngôi nhà cấp 4 xập xệ với những vật dụng đơn giản theo kiểu sống tạm.

 

Đối tượng Tám khi bị dẫn giải ra phiên tòa
Đối tượng Tám khi bị dẫn giải ra phiên tòa

 

Tám sống một cuộc sống đạm bạc: Bữa sáng sang nhất là mì tôm nấu với mấy miếng thịt lợn lèo phèo hoặc cùng lắm là cái bánh giò, bánh nếp, bánh chưng; quần áo luộm thuộm, cả tuần không tắm giặt; vật dụng trong nhà Tám đáng giá nhất là cái tivi đen trắng của Viettonic Đống Đa 14inch và chiếc xe cà tàng phục vụ cho việc di chuyển trong quá trình buôn bán ma tuý.

 

Tang vật vụ án
Tang vật vụ án

 

Tám có chiếc điện thoại di động to hơn cục gạch thì lúc nào hắn cũng khư khư ôm như "báu vật"; có lần con trai mượn điện thoại gọi về quê cho bà ngoại, "buôn" có 5 - 7 phút gì đó mà Tám mắng con thậm tệ như "đồ hoang phí, hỏi han một vài câu nhanh chóng là được lại còn ậm ừ cho tốn tiền". Keo kiệt đến mức trước khi liên lạc điện thoại cho ai là hắn dùng bút chì ghi ra giấy những ý cần phải nói rồi mới gọi để đỡ mất nhiều tiền gọi điện.

Nhìn "xấu xấu bẩn bẩn" là thế, nhưng thực chất trong nhà Tám, hắn nhiều tiền đến mức "tiền đè chết người" theo đúng nghĩa đen. Tại cơ quan điều tra, hắn còn nhớ được khoản lời bất chính lần đầu tiên hắn thu được là một “phi vụ” buôn thuốc phiện được 300.000 VNĐ. Công an xác định từ năm 1994 đến 1998, hắn đã kiếm được gần 1 triệu USD từ hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Com cóp tiền bẩn chỉ để giấu đi, thế nên khi công an phát hiện ra hố chôn tiền ở bếp nhà hắn tại Điện Biên, thu giữ 450.000 USD, 335 cây vàng, vài trăm triệu VNĐ thì hắn "khóc hơn cha chết". Một điều tra viên kể lại, khi cơ quan chức năng vào khám nhà, nhìn thấy tiền, vàng bị đếm, bị tịch thu, Tám khóc tu tu. Hắn còn xin các chiến sỹ cho sờ vào vàng, đứng nhìn mọi người đếm tiền, vàng với thái độ nuối tiếc, vẻ mặt thất thần, ngẩn ngơ vì tiếc của chứ không phải vì tội ác bị trừng phạt.

Vụ án qua đi đã gần 10 năm nhưng khi nhắc lại những câu chuyện trong chuyên án, người ta vẫn rút ra được nhiều bài học. Một điều tra viên tham gia chuyên án cho biết, qua vụ án này, các chiến sĩ công an trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn nhưng quan trọng nhất: "Đó là một bài học xương máu cho những kẻ manh nha muốn tìm đến con đường làm giàu bằng phạm tội; dù tinh vi, xảo quyệt, ác độc đến cỡ nào thì tội ác cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật".  

 
Vũ Hoàng ( Nguoiduatin)