Những tranh luận liên quan tới lời nhận tội và bản án dành cho DeSalvo.
 

Trước kết luận của nhóm điều tra, nhiều người phản đối và tin rằng DeSalvo là người tốt, đặc biệt là nhà báo Susan Kelly, người theo sát các vụ án, nỗ lực bảo vệ hắn. Theo Kelly, "không hề có một chứng cứ thực tế nào chứng tỏ DeSalvo dính líu vào các vụ giết người. Không nhân chứng nào xác nhận DeSalvo đã có mặt tại hiện trường dù anh ta có một khuôn mặt dễ nhớ, đặc biệt là chiếc mũi to".

 
Trong vụ án Joann Graff bị giết, anh sinh viên Kenneth Rowe, hàng xóm nạn nhân, cũng quyết liệt bảo vệ cho DeSalvo và khẳng định người lạ nói chuyện với mình trước khi xảy ra vụ án không phải là hắn. Jules Vens, người điều hành quán rượu Martin gần nhà Joann Graff cũng khẳng định sau án mạng, có người đàn ông tới quán của ông. Hắn tỏ vẻ lo sợ và bị kích động như thể đang bị ai đó truy đuổi. Nhưng người đó không phải là DeSalvo. 
 
Ngoài ra, có tàn của 3 điếu thuốc lá hiệu Salem trong phòng Mary Sullivan và 1 tàn trong bồn cầu của căn hộ nơi Sophie Clark bị giết. Cả 2 nạn nhân và DeSalvo đều không hút thuốc lá.
 
Quan trọng hơn cả là nhân chứng Marcella Lulka, người sống cùng khu nhà với Sophie Clark. Cô đã gặp một người tự xưng là "ông Thompson", muốn vào phòng cô để sơn nhà. Người đàn ông đó cao khoảng 1,8 m, có mái tóc màu mật ong chải về phía sau, khuôn mặt hình trái xoan. Cô không xác định được chính xác màu da của anh ta, nhưng đoán rằng anh ta vào khoảng 25 tuổi. Cuộc gặp này chỉ diễn ra vài phút trước khi Sophie Clark bị giết. Lulka sau đó đã giúp cảnh sát phác họa chân dung của "Thompson". Đó là một người đàn ông có dáng vẻ bề ngoài tinh tế, khuôn mặt dài hẹp, mũi mỏng, cằm nhọn và một đôi mắt lớn hình quả hạnh. Tất cả đều không hề giống Albert DeSalvo.
 
Khi DeSalvo bắt đầu thú nhận về các vụ giết người, Bottomly cho triệu tập Marcella Lulka và Gertrude Gruen để họ có thể bí mật nhìn mặt hắn trong tù. Gruen là người phụ nữ duy nhất sống sót trong lần gặp mặt sát thủ bóp cổ. Cô chống cự lại và buộc hắn phải bỏ chạy. Còn Lulka, từ nhiều ngày trước đó đã được xem ảnh của những kẻ tình nghi.
 
Cả hai đều không thể khẳng định được DeSalvo có phải là kẻ họ gặp hay không.
 
Trong cuộc gặp, hai người còn được nhìn mặt tên tù bị kết án giết người George Nassar. Bắt gặp ánh mắt đầy hận thù của Nassar, Gruen đột ngột nhận ra nét giống với dáng điệu của kẻ đã tấn công cô. Còn Lulka thì giật mình khi nhìn thấy Nassar. Hắn chỉ khác kẻ cô đã nhìn thấy vào buổi chiều hôm đó ở mái tóc màu đen (chứ không phải màu mật ong như cô đã miêu tả với cảnh sát).
 
Một vấn đề mà ban điều tra phải giải quyết là mức độ chính xác trong lời thú tội của DeSalvo. Và khó hiểu nhất là, nếu Albert DeSalvo vô can thì với trí tuệ dưới mức trung bình, anh ta làm sao nhớ được đến từng chi tiết vụn vặt của các vụ giết người như vậy?Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ Robey cho biết trí nhớ của DeSalvo hoạt động hiệu quả 100%. Ông kể lại: "Chúng tôi để 8 người lạ mặt đứng theo thứ tự trong phòng. Yêu cầu DeSalvo đi qua hàng người. Hôm sau, vẫn là những người đó nhưng với trang phục khác và vị trí đảo lộn hoàn toàn. Chúng tôi đề nghị DeSalvo xếp lại hàng người như hôm trước, và kết quả là 10 điểm!".
 
Cuối cùng, các chuyên gia tham gia cuộc điều tra thống nhất đưa ra kết luận rằng những vụ giết người không thể chỉ do một hung thủ gây ra. Theo một nghĩa nào đó, những dấu vết để lại hiện trường là không đồng nhất, và nạn nhân của vụ án thuộc những nhóm khác nhau.
 
Vụ án Mary Brown tạo ra nhiều câu hỏi làm đau đầu các quan chức cảnh sát. Cô bị hãm hiếp, bóp cổ và bị đánh đến chết tại Lawrence vào đầu tháng 3/1963. Lời thú nhận của DeSalvo về vụ án này chỉ chung chung và rất nhiều chi tiết không chính xác. Có thể hắn đã được George Nassar kể cho nghe vụ này khi còn ở trong tù với nhau, bởi Mary Brown sống ở cùng khu phố với người đàn ông bị Nassar bắn chết.
 
Mời các bạn đón đọc Kẻ lạ mặt và 13 phụ nữ bị hãm hại (Kỳ cuối) vào SÁNG SỚM ngày 13/2/2014.
 
Theo Khampha