Cảnh sát nhanh chóng điều tra về Arnold Wallace và biết rằng mỗi khi xảy ra vụ giết người nào thì đúng là thời gian hắn trốn viện. Tuy nhiên, cảnh sát cũng khá thận trọng vì cho rằng Gordon đã tới bệnh viện trước đó và có khả năng đã thấy Wallace. Nếu như thế, ông ta là người nói dối và có thể lại chính là hung thủ.
Wallace được kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Chỉ số IQ khá thấp của Wallace, trong khoảng 60-70, và việc hắn bất lực không phân biệt được thực tại và ảo giác, gây cho cảnh sát nhiều khó khăn. Cuộc thử nghiệm không cho kết quả nào rõ rệt. Wallace trở lại bệnh viện, và cảnh sát tiếp tục lần theo các manh mối khác.
Boston lại có một thời gian "nghỉ ngơi" kéo dài trong suốt 3 tháng 6-8. Để rồi ngày 8/9/1963, xác một phụ nữ đã bỏ chồng, tên Evelyn Corbin, 58 tuổi, có bề ngoài trẻ trung, được tìm thấy trong căn hộ của bà tại khu Salem. Corbin nằm úp mặt trên giường với hai chiếc tất nylon xiết quanh cổ, mồm bị bít kín bằng chính quần lót của bà. Pháp y khẳng định bà không bị hãm hiếp.
Căn nhà của Corbin không có dấu hiệu vụ trộm cắp. Một khay đồ trang sức nằm giữa sàn nhà. Mọi thứ chứa trong ví của bà vương vãi trên ghế sofa. Tất cả đều không thể giải thích nổi. Bên ngoài cửa sổ căn hộ, trên đường thoát khẩn cấp khi xảy ra hỏa hoạn, là chiếc bánh rán còn mới, mà những người sống xung quanh đó khẳng định không phải do họ vứt.
25/11, cả nước Mỹ chìm trong đau thương trước cái chết của tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát 3 ngày trước đó. Người dân Boston dán mắt vào màn hình tivi chờ đợi những tin tức mới về kẻ giết tổng thống. Cư dân thành Boston không biết rằng tên bóp cổ đã lại ra tay. Nạn nhân là Joann Graff, nhà thiết kế công nghiệp 23 tuổi, sống tại khu Lawrence. Pháp y cho biết cô bị giết trước khi Tổng thống Mỹ bị bắn. Hai chiếc tất nylon nịt chặt quanh cổ thành hình chiếc nơ như những vụ trước đó. Căn hộ của cô bị lục tung.
3h25 , một sinh viên sống trong căn hộ phía trên phòng của Graff nghe thấy tiếng bước chân trong khu hành lang. Người sinh viên này nói mình nhìn thấy một người lảng vảng quanh khu vực. Khi nghe tiếng gõ cửa ở phòng đối diện, anh mở cửa nhìn ra và thấy một người đàn ông khoảng 27 tuổi, đầu bôi sáp thơm, sơ mi và jacket màu tối.
Người lạ mặt lên tiếng trước: "Có phải Joan Graff sống ở đây không?" (phát âm sai tên của Joann). Người sinh viên đáp rằng Joann sống ở tầng dưới. Vài phút sau, anh nghe tiếng đóng mở cửa phía dưới. Có lẽ, Joann đã cho người đàn ông vào phòng của mình. 10 phút sau đó, một người bạn gọi điện cho Joann, nhưng không ai trả lời.
Buổi sáng trước khi Joann chết, một phụ nữ sống trong căn hộ tầng dưới Joann nghe thấy tiếng nói chuyện trước cửa. Cô lại gần và thấy một tờ giấy đưa qua đưa lại nơi khe cửa. Đột nhiên, tờ giấy biến mất và cô nghe tiếng bước chân đi xa.
Hơn một tháng sau cái chết của Joann, ngày 4/1/1964, sau buổi làm, hai cô gái trở về nhà của họ tại số 44A, đường Charles. Họ kinh hoàng thấy cô bạn cùng phòng, Mary Sullivan, 19 tuổi, đã chết trong một tư thế kinh khủng. Hung thủ bóp cổ Sullivan tới chết, sau đó buộc quanh cổ nạn nhân một chiếc tất màu tối, rồi một chiếc khăn màu hồng bằng lụa với một cái nơ lớn tết dưới cằm, và trên cùng là một chiếc khăn màu hồng trắng. Một tấm card sặc sỡ có ghi dòng chữ "Chúc mừng năm mới!" để đối diện với xác của cô. Thi thể Sullivan được đặt ở vị trí ngồi trên giường, lưng tựa vào tấm biển phía sau.
Mọi việc sẽ tiếp tục thế nào? Mời các bạn đón đọc Kẻ lạ mặt và 13 người phụ nữ bị hãm hại (Kỳ 7) vào SÁNG SỚM ngày 10/2/2014.
Theo Khampha