Gần đây, dư luận có xuất hiện một số thông tin liên quan đến việc điều tra xét xử vụ án Năm Cam từng gây chấn động một thời. Một vụ án có đến 155 bị cáo, 80 luật sư, 39 người bị hại, 253 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 29 người làm chứng, 2 người phiên dịch, tổng số là 558 người.

Phối hợp giữa nhiều ban ngành

Khi nhắc đến vụ án Năm Cam, ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính trung ương nói: "Đó là vụ án lớn. Một băng nhóm xã hội đen có tổ chức gây quá nhiều tội ác. Rích rắc của nhóm tội phạm này còn liên quan đến nhiều cán bộ có chức, có quyền trong ngành tư pháp. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra là phải có ban chỉ đạo trong vụ án điểm này".

Lý giải căn nguyên việc có ban chỉ đạo án, ông Hưng nói: "Việc thành lập ban chỉ đạo xuất phát từ Chỉ thị 09 của Ban Bí thư để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các vụ án có tính phức tạp, có vấn đề về chính trị hoặc liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành.

 

Việc này tạo sự giám sát và kết hợp của các cơ quan, nhằm đảm bảo sự thống nhất cao trong công tác giải quyết vụ án, tập trung khắc phục các vướng mắc. Những khó khăn vướng mắc trong quan điểm cũng như vướng mắc trong huy động cơ sở vật chất nhờ Ban chỉ đạo sẽ được kịp thời tháo gỡ".

 

Phiên toà xét xử Năm Cam và đồng bọn
Phiên toà xét xử Năm Cam và đồng bọn

 

Nhìn nhận tính chất nghiêm trọng trong vụ án Năm Cam ông khẳng định: "Vụ án này có tính chất phức tạp được xác định là vụ án điểm và cần thành lập ban chỉ đạo. Những vụ án này cần có những người đứng đầu của các ngành tố tụng và Ban Nội chính Trung ương và cấp uỷ chính quyền địa phương.

 

Vụ án này được chỉ đạo hiệu quả bằng chứng đã được tập trung giải quyết ngay từ đầu, tính phức tạp của vụ án được đưa ra trao đổi, thảo luận về mặt luật pháp về mặt khoa học để làm sao công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng hướng. Các cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố, điều tra phát hiện từng đối tượng sai phạm rất nhanh chóng. Điều đó cho thấy có sự thống nhất rất cao của các ngành chức năng rất kịp thời nên việc chống đối của những tên tội phạm nguy hiểm kịp thời được ngăn chặn".

Ông Hưng nói: "Một trong những vấn đề khiến vụ này càng phức tạp hơn vì đối tượng phạm tội có cả cán bộ địa phương và trung ương, trong cơ quan tố tụng. Nếu như không có sự tập trung sức mạnh thì công tác đấu tranh sẽ gặp nhiều khó khăn. Ban chỉ đạo cũng như các cơ quan điều tra, tố tụng khi ấy đã rất buồn khi bảng danh sách các cán bộ nhúng chàm cứ lộ diện dần ra theo tiến độ mở rộng điều tra vụ án".

Ông Hưng cũng cho biết, thời kỳ đấu tranh với nhóm tội phạm Năm Cam, nhất là chuẩn bị đưa các đối tượng ra xét xử, Ban chỉ đạo đã thường xuyên nhận báo cáo của các cơ quan tư pháp. Báo cáo này gần như là kịp thời với hoạt động điều tra và tố tụng. Mỗi khi có vướng mắc nảy sinh thì các ngành đều xin chỉ đạo để tìm cách khắc phục.

Được giám sát chặt chẽ

"Ban chỉ đạo mà tôi tham gia gồm các đồng chí đứng đầu ở các ngành công an, toà án, kiểm sát. Bằng việc huy động lực lượng, nghe tình hình cụ thể để phối hợp giải quyết với nhau. Khi đó, công an và viện kiểm sát phải phối hợp ngay từ đầu. Khi điều tra phá án và quyết định về mặt tố tụng thì việc giám sát của viện kiểm sát được tiến hành ngay chứ không phải chờ theo các thứ tự công đoạn bình thường như các vụ án khác. Kể cả toà án cũng vào cuộc ngay từ đầu để chuẩn bị hồ sơ tư liệu cho giai đoạn truy tố xét xử", ông Hưng kể lại.

Đến bây giờ ông Hưng vẫn nhớ đến một trọng trách khi được tham gia vào ban chỉ đạo một vụ án trọng điểm thu hút sự chú ý của nhân dân và dư luận cả nước. Ngày ấy, bất cứ đâu người ta đều nhắc đến tội ác của Năm Cam và đồng bọn. Khi ấy, ban chỉ đạo đã đề cao công tác tuyên truyền để khẳng định với dư luận chúng ta đang tiến hành điều tra, xét xử một vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Qua đó khuyến khích người dân tiếp tục đấu tranh, tố giác tội phạm. Ban đầu người dân còn e ngại tố cáo Năm Cam và đồng bọn. Họ sợ bị những tên giang hồ khét tiếng trả thù.

Ông Trần Đại Hưng nhớ lại: "Khi ấy ở TP. Hồ Chí Minh, do có họp báo hàng ngày của Ban chỉ đạo nên nhiều người dân đã mạnh dạn tố cáo. Đơn thư tố cáo gửi đến cơ quan điều tra chất thành những chồng cao ngất. Người dân cũng mạnh dạn tố cáo hành vi đồng loã, bảo kê cho băng nhóm tội phạm của những cá nhân trong các cơ quan chức năng. Từ việc tố giác đó, cơ quan điều tra mở rộng nhiều chuyên án, gom trùm xã hội đen Năm Cam và đồng bọn ra trước vành móng ngựa".

Theo ông Hưng kể lại, thì ngày ấy Ban chỉ đạo rất quyết liệt trong việc truy tố và xét xử vụ Năm Cam. Mẻ lưới lớn được giăng ra quét sạch băng nhóm Năm Cam và những cán bộ tha hoá đạo đức, vì danh lợi bảo kê cho hoạt động xã hội đen. "Ngày ấy, nếu ai đó trong ban chỉ đạo mà chịu sức ép từ phía những rích rắc bảo kê cho trùm xã hội đen Năm Cam chắc chắn sẽ bị xử lý".

Ban chỉ đạo họp thường xuyên, nhận định hình thức xử lý với Năm Cam và từng tên đồng bọn khá thống nhất. Nếu trong Ban chỉ đạo, các cơ quan tố tụng chỉ có cá nhân nào có ý kiến trái sẽ bị bác ngay. Một vụ án lớn, gây chấn động dư luận thời bấy giờ cũng không ngoại trừ có một số cá nhân trực tiếp tham gia vào vụ án, nhất là các cơ quan điều tra phá án phát hiện sự tham gia của người có chức có quyền cũng có lúc run tay.

Vụ án nhiều cái nhất

 

 Ông Trần Đại Hưng
Ông Trần Đại Hưng

 

Ông Hưng nhớ lại, ngày 30/10/2003 phiên toà sơ thẩm xét xử vụ Năm Cam, một vụ án có đến 155 bị cáo, 80 luật sư, 39 người bị hại, 253 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 29 người làm chứng, 2 người phiên dịch, tổng số là 558 người. Thời gian xét xử kéo dài đến 3 tháng. Các cơ quan tố tụng phải huy động một khối lượng cơ sở vật chất lớn để phục vụ cho phiên toà.

Chỉ riêng xe ô tô chở hồ sơ vụ án ra toà cũng phải huy động đến mấy xe. Tang vật, vật chứng của vụ án này rất lớn. Nên công tác giám định hồ sơ được yêu cầu huy động sức người, sức của rất nhiều. Phần in ấn bản án, gần 500 bản án có độ dày 407 trang nội dung và 100 trang phụ lục được phát hành đúng thời hạn tố tụng để phục vụ cho việc tống đạt bản án theo quy định của pháp luật.

Lực lượng an ninh được huy động tối đa, dày đặc nhằm tránh tình trạng gây rối trật tự xã hội. Khi ấy ban chỉ đạo đã phải tính toán rất kỹ các khả năng có thể xảy ra để ngăn ngừa. Vì phiên toà được xử tại TP. Hồ Chí Minh nơi Năm Cam đặt "đại bản doanh" thì rất có thể đàn em của hắn vẫn còn đang trốn tránh, lẩn khuất chưa bị bắt quy án. Vì vậy lực lượng cảnh sát tư pháp, an ninh phải tính đến chuyện bảo vệ nghiêm ngặt tránh tình trạng có biến như cướp tội phạm khi đưa tội phạm từ trại giam đến nơi xét xử.

Kể cả vấn đề tránh ùn tắc giao thông, đưa phạm nhân đến phòng xử đúng giờ cũng được tính toán kỹ. "Để đảm bảo cho phiên toà xét xử Năm Cam và đồng bọn lực lượng tổng lực đã được huy động. Tất cả các khâu ấy Ban chỉ đạo đều đưa ra các phương án cụ thể được bàn bạc rất kỹ", ông Hưng nhấn mạnh.

Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án kéo dài 3 tháng - một phiên tòa có nhiều cái nhất lại được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó chú trọng việc tranh tụng tại tòa. Kết thức phiên toà không ít kẻ bị tuyên án tử hình gồm: Trương Văn Cam, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh, Hồ Thanh Tùng và Châu Phát Lai Em.

Ông Trần Đại Hưng chia sẻ: "Triệt phá được băng nhóm Năm Cam, những người tham gia trong các cơ quan tố tụng thở phào vì đã trút đi gánh nặng. Băng nhóm xã hội đen có tổ chức của Năm Cam khuynh đảo một thời bị xoá sổ thì những băng nhóm nhỏ lẻ khác cũng rúng động. Và sau này chúng ta phá nhiều băng nhóm xã hội đen khác trên cả nước".

 
 
Nhóm PV ( Nguoiduatin )