leftcenterrightdel
 

Vụ án “lật tàu, đoạt bảo hiểm” Kẻ thủ ác Lý Song Toàn - Ảnh: A.X.

Từ bản tin trên báo Đài Loan

Báo Taipei Times ngày 15 và 22-5-2006 đăng tin như sau:

“Tối 17-3-2006, chuyến xe lửa tốc hành Đài Đông - Cao Hùng bị trật đường ray, ba toa tàu lật nghiêng. Trên ba toa lật có vợ chồng Lý Song Toàn (người Đài Loan) và Trần Thị Hồng Thắm. Thắm bị thương và chết tại bệnh viện.

Xét nghiệm bệnh phẩm chị Thắm cho thấy chị bị đầu độc và anh chồng lại là nhân viên Cục Đường sắt Đài Loan.

Viện công tố tình nghi Lý tạo ra vụ trật đường ray và cho chị Thắm uống thuốc độc trước khi lên tàu để phi tang tội giết người. Bởi vì ngay trước ngày lật xe lửa, Lý đã rút ra 20 triệu tệ bảo hiểm nhân mạng mà Lý mua cho vợ (tại Đài Loan tiền bảo hiểm nhân mạng có thể mượn lại khi còn sống).

Bốn năm trước, vợ trước của Lý cũng là người Việt Nam đã chết vì bị rắn độc cắn.

Viện công tố đã khởi tố Lý để điều tra vụ trật đường ray thì ngày 23-3-2006 Lý tự treo cổ chết bên ngoài căn nhà của mình.

Công tố viên đang tiếp tục tìm chứng cứ xem anh trai song sinh với Lý Song Toàn là Lý Thái An có đồng phạm không, nhưng chưa khởi tố bị can. Lý Thái An phủ nhận mình không liên quan vụ trật đường ray lẫn cái chết của em dâu.

Ngày 14-5-2006, mẹ và cậu của Thắm đến Đài Loan để nhận hũ tro cốt của Thắm mang về Việt Nam”.

Đó là bản tin đáng chú ý đối với giáo sư Phan An - chủ nhiệm đề tài “Hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan”, được bốn trường đại học Đài Loan mời sang hội thảo về đề tài trên vào năm 2006.

Giáo sư Phan An khi ấy cũng hỏi nhiều phụ nữ Việt Nam tại buổi thuyết trình về lai lịch cô dâu Thắm. Tuy nhiên giáo sư An chỉ nhận được rất ít ỏi từ một phụ nữ rằng “hình như Thắm ở Gò Dầu, Tây Ninh, lấy chồng đã được ba năm, chưa có con”.

Do yêu cầu công tác nên giáo sư Phan An về lại Việt Nam sau vài ngày ít ỏi ở Đài Loan. Khi về Việt Nam, giáo sư Phan An cố gắng tìm hiểu từ nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh và cả Tổng cục Cảnh sát nhưng vẫn không tìm ra được lai lịch cô Thắm.

Giáo sư Phan An cũng ngạc nhiên là thời điểm đó báo chí tại Việt Nam không đưa tin tức gì.

10 năm chưa nguôi nỗi đau

Khi bà Nguyễn Thị Cẩm Nhi sang Đài Loan để mang tro cốt của con về, bà được một người đàn ông tốt bụng tên Chân giúp đỡ về các thủ tục pháp lý liên quan và vật chất.

Mất một thời gian đủ dài với nhiều khó khăn, trở ngại về ngôn ngữ, đầu mối, chúng tôi đã bắt được liên lạc với ông Chân. Chúng tôi trình bày về mong muốn gặp bà mẹ của cô dâu bị sát hại tại Việt Nam và đề nghị ông Chân giúp đỡ cho địa chỉ hoặc số điện thoại.

Sau khi thuyết phục được ông Chân vượt qua các nghi ngại, ông Chân đã nhiệt tình lục tung hết các tư liệu từ 10 năm trước để cho chúng tôi số điện thoại bàn của bà Nhi ở Việt Nam.

Rất may là số điện thoại mà ông Chân cung cấp đã dẫn chúng tôi đến được nhà của bà Nguyễn Thị Cẩm Nhi - mẹ chị Thắm (53 tuổi, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Tiếp chúng tôi tại nhà, nước mắt bỗng tuôn dài trên gương mặt bà khi chúng tôi nhắc tên chị Thắm - cô dâu xấu số.

Trong ngôi nhà tường khang trang được sơn màu xanh hi vọng, bà Nhi chìm trong những đau khổ, dằn vặt suốt 10 năm qua. Bà bảo lúc các con còn nhỏ dù bữa rau bữa cháo, mưa dông nhà dột tứ phía, mùng 1 tết phải nhốt con ở nhà vì không có manh áo mới nhưng bà cũng không khổ tâm như bây giờ.

“Lúc ôm hũ tro cốt con Thắm trong lòng tui như đứa con nít, ai dẫn đi đâu tui đi đó. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ: Thắm ơi, phải chi má không gả con, có con má ăn kho khô, muối quẹt cả đời má cũng chịu”, bà Nhi nói.

Lần cuối cùng Thắm về thăm nhà và mang về cho gia đình 10.000 đôla Mỹ để xây nhà mới cũng là lần cuối cùng bà Nhi nhìn thấy mặt con.

“Lần đó thuê xe rước con mà bao nhiêu tiền con nhỏ đưa tui hết. Rồi muốn mua gì lại quay sang xin. Má cho con 20.000 đồng mua cái nón. Trong khi tiền đều do bàn tay nó làm ra. Thử hỏi có đứa nào có hiếu như con tui không” - ôm di ảnh Thắm trong trang phục cô dâu và nụ cười tuổi đôi mươi, bà Nhi uất nghẹn.

Ngày Thắm kết hôn với người chồng nước ngoài, gia đình bà Nhi cũng không có mặt vì không có tiền đi xe. Cũng như nhiều gia đình miền Tây gả con cho người nước ngoài, bà Nhi dẫu muốn đổi đời nhưng trong bụng trong dạ không yên.

Ngày Thắm bị chồng sát hại đúng với ngày chị lên kế hoạch về thăm nhà.

Ở Việt Nam, gia đình Thắm khấp khởi thuê xe để rước con nhưng chưa kịp đi thì chuông điện thoại reo báo chị bị tai nạn đã qua đời. Phải một tháng sau nhờ các tổ chức và các nhà hảo tâm giúp đỡ, gia đình Thắm mới được bảo lãnh sang Đài Loan để mang tro cốt con về.

“Tui đi mà không một xu dính túi. Nhà còn bốn đứa nhỏ nheo nhóc tui đâu có cho ông nhà đi cùng, lỡ có gì ai nuôi con” - bà Nhi nhớ lại.

Một tháng trời sau cái tin sét đánh, bà Nhi sụt gần chục ký, chỉ nuốt nổi mấy muỗng cháo. “Cái cô bảo lãnh tui qua Đài Loan ngày nào cũng hỏi tui sáng dì ăn cái gì, trưa ăn gì, tối ăn gì mà tui toàn nói ăn cháo. Tội nghiệp cô đó khuyên tui ráng ăn cơm, chứ ăn cháo vầy hoài sao dì sống nổi. Lúc đó tui nói phải chi tui không còn bốn đứa con ở nhà thì tui chết theo con Thắm cho bớt khổ”.

Dù đã 10 năm trôi qua nhưng gia đình Thắm vẫn không cắt số điện thoại bàn để ngóng trông một câu trả lời từ phía Đài Loan giải đáp nguyên nhân cái chết của chị.

“Chừng ấy năm gia đình tui không hề nhận được bất kỳ thông tin rõ ràng nào về nguyên nhân con Thắm chết. Mà gia đình tui cũng không biết hỏi ai, chỉ biết chờ coi có ai bên đó liên lạc về không” - bà Nhi phân trần.

 

leftcenterrightdel
 

Bà Nhi và di ảnh Thắm - Ảnh: Thành Nhơn

 

Tuấn - một du học sinh tại Trường đại học quốc tế Đài Đông (National Taitung University) ở TP Đài Đông, Đài Loan - cho biết các du học sinh Việt Nam cùng trường với Tuấn tại Đài Đông đều được nghe truyền miệng câu chuyện rùng rợn về cô dâu Việt bị chồng sát hại trên chuyến xe lửa ở Đài Đông.

Căn nhà của người chồng sát nhân Lý Song Toàn thuộc khu phố Phong Vinh, quận Tri Bản, TP Đài Đông.

Lý Song Toàn là nhân viên bán vé của trạm Tri Bản, Đài Đông thuộc Cục Đường sắt Đài Loan. Trước Thắm, Toàn đã ly dị người vợ đầu tiên khi có với nhau hai đứa con trai song sinh. Người vợ thứ hai là Phan Thị Kiều Nhi (cô dâu Việt). Người vợ này chết do bị rắn độc cắn khi thò tay vào thùng gạo lấy gạo nấu cơm. Lý Song Toàn cũng mua bảo hiểm cho cô vợ này khá cao. Vụ án cũng có nhiều nghi vấn.

Người vợ thứ ba là Thắm chết do bị trúng độc. Lý do chết hiện sau này được xác định là do bị ép uống rượu chung với một loại độc dược. Người anh của Lý Song Toàn là Lý Thái An cũng bị án tù (13 năm) do tiếp tay với em trai thực hiện âm mưu phá hoại đường sắt và che giấu việc đầu độc.

 

Theo Tuổi trẻ