Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận sai phạm
Chiều 17/4, phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và các đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn.
|
|
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại tòa. |
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận các cáo buộc “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự. Bị cáo nói "nhận thức được sai phạm". Tuy nhiên, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khẳng định không vụ lợi, không được thoả thuận ăn chia gì từ việc chênh giá.
Bị cáo Tuấn khai, chủ trương "cho một số doanh nghiệp ký gửi vật tư cho bệnh viện sử dụng trước" rồi hợp thức hóa thủ tục đấu thầu sau, có từ trước khi bị cáo chuyển về đây làm giám đốc. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, với các mặt hàng "truyền thống, bệnh viện đã dùng nhiều năm", bị cáo chỉ đạo cấp dưới mua bằng hoặc thấp hơn giá các năm trước đó.
Thời gian này, theo bị cáo Tuấn, chưa có cơ sở xác định giá chính xác, bệnh viện chỉ đối chiếu giá các năm trước và giá các bệnh viện khác đã mua. Bị cáo Tuấn thừa nhận việc này là sai, nếu khi đó "so sánh với bảng giá thị trường sẽ không phát sinh sai phạm".
Sau cuộc đấu thầu năm 2016, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bị cáo buộc chỉ định thầu rút gọn, áp dụng kết quả đấu thầu năm trước, giúp Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hoà Phát trúng 4 gói thầu vật tư năm 2017 mà không cần đấu thầu lại.
Khai báo trước tòa về quyết định này, bị cáo Tuấn nói: Năm 2017, Hà Nội chủ trương đấu thầu tập trung song quá trình này diễn ra rất chậm. Vật tư dùng cho năm 2017, về nguyên tắc phải được đấu thầu xong trong quý I/2017, nhưng thực tế, mãi cuối năm 2017 mới có kết quả đấu thầu. Nếu đợi kết quả đấu thầu tập trung thì cả năm 2017, bệnh viện coi như không có vật tư, như thế sẽ phải đóng cửa. Bệnh viện từ đó mới có chủ trương "vay" trước hai công ty này để dùng, phục vụ bệnh nhân.
|
|
Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Ảnh: PH. |
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khai, do thiếu vật tư mà Hà Nội vẫn chưa thể đấu thầu tập trung nên đã gửi văn bản báo cáo Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Nội và Trung tâm mua sắm công đề xuất chỉ định thầu khẩn cấp, áp dụng kết quả đấu thầu năm 2016. Trong các văn bản, bị cáo đã gửi kèm chi tiết số lượng vật tư còn trong kho, số lượng "vay mượn", số lượng đã sử dụng, dự kiến cần mua... để nêu rõ tình hình thiếu thốn này. "Cho dù vật tư thiếu, nhu cầu chữa bệnh cấp thiết, nhưng việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm", bị cáo Tuấn nói.
Bị cáo Tuấn phủ nhận việc chỉ đạo cấp phó Hoàng Thị Ngọc Hưởng thực hiện việc triển khai đấu thầu và liên hệ Công ty định giá AIC để thẩm định, nhưng thừa nhận có chỉ đạo, làm sao để thanh toán được cho các đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị y tế vào bệnh viện. Quá trình tổ chức đấu thầu, bị cáo Tuấn khai, không biết cấp dưới thực hiện những gì, chỉ ký duyệt sau khi hoàn tất các thủ tục.
"Việc chỉ định thầu, đấu thầu không đúng, song bị cáo không có cách nào khác. Sai phạm chỉ định thầu năm 2016 kéo theo sai phạm năm 2017", bị cáo Tuấn nói.
Trả lời chủ toạ về kết quả định giá thiệt hại, bị cáo Tuấn cho rằng "rất khó nói". Theo cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nếu trước đó có đối chiếu thì đã không có sai phạm. Song, bị cáo Tuấn cho rằng, bản thân biết so với giá thị trường thì không hợp lý.
Trước tòa, bị cáo Tuấn nói không được hưởng lợi gì từ việc chỉ định thầu, nhưng thừa nhận, đã nhận quà là 10.000 USD từ Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Nga) đưa cho vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài ra, còn có chai rượu ngoại và hộp thuốc cigar. Hiện, bị cáo Tuấn đã nộp lại số tiền 10.000 USD và vợ của bị cáo đóng 6 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
"Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai. Bị cáo có vai trò chính, gây thiệt hại cho bệnh viện. Với sai phạm này, bị cáo có lỗi cao nhất", ông Tuấn trình bày trước HĐXX.
"Làm sai là hiệu ứng domino"
Trước đó, buổi sáng 17/4, sau khi Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, hoàn tất công bố bản cáo trạng, HĐXX đã bước vào thẩm vấn các bị cáo trong vụ án.
Là người đầu tiên bị xét hỏi, bị cáo Đoàn Trọng Bình (cựu Phó trưởng phòng vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội) xác nhận, bản thân biết việc Bệnh viện có chủ trương cho ký gửi vật tư y tế và chủ trương này do ông Nguyễn Quang Tuấn đưa ra.
Trước tòa, bị cáo Bình khai nguồn gốc của chủ trương này xuất phát từ chính nhu cầu của các bác sĩ tại Bệnh viện, khi nhu cầu sử dụng các vật tư y tế lớn. Sau khi được Giám đốc Bệnh viện cho phép, Phòng Vật tư y tế là nơi nhận ký gửi, rồi hợp thức hóa bằng việc chỉ định thầu.
Bị cáo Đoàn Trọng Bình thừa nhận cáo buộc và cho rằng không oan. Giải trình về việc áp dụng giá năm 2016 cho gói thầu năm 2017, theo bị cáo, thời điểm đó là lúc giao thoa giữa hai năm. Cho nên giá vật tư của năm 2016 trước mà nối dài sang năm 2017 là bằng nhau. Song bị cáo Bình cho rằng, việc lấy giá đó là "sai".
Tuy nhiên, theo bị cáo, bản thân không được hưởng lợi ích gì. Số tiền 300 triệu đồng bị cáo nộp để khắc phục hậu quả, đó là tiền lương bị cáo nhận được trong vòng 15 tháng.
|
|
Bị cáo Đoàn Trọng Bình trước tòa. |
Vẫn theo lời khai của bị cáo Đoàn Trọng Bình, bị cáo đã thực hiện theo sự chỉ đạo của giám đốc. Bản thân bị cáo lấy giá thẩm định sai, hợp thức đấu thầu là sai, bị cáo nhận thấy việc làm sai là hiệu ứng domino.
Theo cáo trạng, Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó Trưởng phòng vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội, Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu; là người có chuyên môn về đấu thầu, phụ trách việc cung cấp vật tư và tổ chức đấu thầu các gói thầu, Đoàn Trọng Bình biết việc tổ chức đấu thầu 5 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao năm 2016, 2017 phải thực hiện theo đúng quy định Luật, nhưng theo chỉ đạo của cấp trên, Bình đồng ý để các nhà thầu ký gửi hàng để sử dụng trước khi đấu thầu, sau đó lập, trình danh mục vật tư, hóa chất, đơn giá các gói thầu để Nguyễn Quang Tuấn phê duyệt mà không thông qua Hội đồng mua sắm.
Những việc này không thông qua Hội đồng mua sắm mà theo đơn giá Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát đề nghị. Cáo buộc cho rằng, dù không tổ chức họp nhưng bị cáo Bình vẫn chỉ đạo nhân viên Phòng vật tư lập Biên bản họp lấy ngày 7/12/2015 và Quyết định lấy ngày 8/12/2015.
Sau đó, các thành viên Hội đồng mua sắm và Nguyễn Quang Tuấn kí để hoàn thiện thủ tục chỉ định Công ty định giá AIC là đơn vị thẩm định giá. Bị cáo Bình phân công nhân viên liên hệ, trao đổi với nhân viên Công ty AIC cung cấp thông tin phục vụ thẩm định giá.
Từ đó, Công ty AIC ban hành chứng thư thẩm định giá, theo đơn giá kế hoạch đã được bị cáo Nguyễn Quang Tuấn phê duyệt. Sau khi có chứng thư thẩm định giá, ông Bình giao cấp dưới hoàn thiện hợp thức các thủ tục đấu thầu gói thầu năm 2016.
Trong 4 gói chỉ định thầu năm 2017, Bình phụ trách Phòng Vật tư y tế, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện gói thầu theo Quyết định chỉ định thầu rút gọn số 919 ngày 14/4/2017, ký lập danh mục kế hoạch vật tư, hóa chất tháng 2, 3/2017; ký biên bản thống nhất chỉ định thầu theo chỉ đạo của Nguyễn Quang Tuấn.
Hành vi của Đoàn Trọng Bình với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Quang Tuấn thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội, quỹ bảo hiểm xã hội số tiền hơn 53 tỷ đồng, phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.