Cái chết oan nghiệt của cậu bé da đen (Kỳ cuối)
Cập nhật lúc 23:58, Thứ ba, 12/08/2014 (GMT+7)
Phán quyết của tòa làm hài lòng những người da trắng có mặt. Không ai bị kết án trước cái chết oan nghiệt của Emmett. (cậu bé da đen, bị giết hại, dân quyền, Emmett Till)
Phán quyết của tòa làm hài lòng những người da trắng có mặt. Không ai bị kết án trước cái chết oan nghiệt của Emmett.
Ngày 22/9, Carolyn Bryant xuất hiện trước tòa để lấy lời khai. Thời điểm đó Carolyn 21 tuổi, cô biết được lời khai của mình quan trọng như thế nào đối với chồng.
Theo lời khai của Carolyn, tối hôm xảy ra vụ án, cô ở cửa hàng một mình. Một nhóm thanh niên da đen đã đến cửa hàng mua kẹo cao su. Khi cô đưa kẹo cho họ, một cậu thanh niên đã nắm lấy tay cô.
Giọng Carolyn lúc đó trở nên nhỏ hơn, dường như cô cảm thấy xấu hổ về những gì đã xảy ra. Cậu thanh niên chỉ buông tay cô khi một người khác trong nhóm tới kéo cậu đi.
Khi cả nhóm rời đi, Carolyn sợ hãi chạy ra chiếc xe ô tô sau nhà để lấy súng. Cô biết chồng mình thường xuyên để súng trên xe. Lúc đó, cậu thanh niên da đen bất ngờ xuất hiện và huýt sáo với cô khiến cô giật mình. Carolyn biết mặt tất cả những người da đen ở Money nên cô khẳng định cậu thanh niên trêu mình là từ nơi khác đến.
Luật sư bào chữa cho JW Milam và Roy đã hỏi Carolyn nhiều lần rằng thời điểm đó có người da trắng nào xuất hiện cạnh Carolyn không để nhấn mạnh sự “nguy hiểm” mà một người phụ nữ trẻ đối mặt lúc đó.
Sau khi trả lời những câu hỏi của tòa, Carolyn lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh chồng, hai đứa con của cô cũng có mặt tại phiên tòa. Roy đưa tay ôm Carolyn và hôn cô an ủi. Cảnh đó khiến nhiều người nghĩ phiên tòa này là phiên tòa của một gia đình người da trắng đấu tranh chống lại áp bức tại Mississippi .
Công tố viên Robert Smith khẳng định sự bình đẳng trước pháp luật của những công dân da đen và da trắng. “Emmett Till là công dân nước Mỹ. Cậu ta có quyền được sống và được tự do ở bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ.”
Ngày 23/9, Mamie đã rời khỏi tòa án trước khi có phán quyết cuối cùng. Mamie không tin vào công lý trong phiên tòa này.
Đoàn bồi thẩm trở lại với phán quyết của mình. Đúng như những người da trắng có mặt tại phiên tòa mong đợi, không ai bị kết án.
JW Milam và Roy Bryant cười lớn, tự tin nói chuyện với đám đông phóng viên có mặt. “Tôi hài lòng với phán quyết đó”, JW Milam vừa nói vừa châm điếu xì gà.
Roy Bryant ôm lấy Carolyn. Những người da trắng có mặt tại phiên tòa bắt đầu la hét. Họ ăn mừng trước phán quyết của tòa.
JW Milam và Roy Bryant lần lượt bắt tay những thành viên của đoàn bồi thẩm. Cả hai nhận được những lời chúc mừng từ phía họ.
“Đó là một trò hề lớn nhất mà tôi đã từng thấy”, Mamie trả lời phỏng vấn sau phiên tòa. Báo chí quốc gia cho rằng phán quyết của tòa là một sự xúc phạm lớn đối với nền dân chủ và những đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Những ngày tiếp theo sau khi phiên tòa kết thúc, có rất nhiều những bài báo phản đối phán quyết của tòa án. Trước sức ép của dư luận, tòa án Misissippi chuyển sang truy tố Milam và Roy về tội bắt cóc Emmett. Những có quá ít bằng chứng để truy tố. Trong vụ án này, Roy chỉ hành động để bảo vể danh dự của vợ mình trước sự xúc phạm của một người da đen.
Sự thật, JW Milam và Roy Bryant không bao giờ bị truy tố một lần nữa về cái chết của Emmett Till.
Tháng 1/1956, cả hai đã “bán” câu chuyện của mình cho tạp chí Look với giá 4.000 đô la Mỹ. Ngày 24/1/1956, những lời thú tội gây sốc của họ được công khai ở Mississippi.
Milam và Roy khai nhận đã đến nhà Wright ngày 28/8. Sau khi lôi Emmett ra khỏi nhà, cả hai lái xe đi khoảng 75 dặm để tìm nơi nào đó đánh Emmett. Emmett đã được mang đến nhà Milam, bị tra tấn tại đây cho đến chết trước khi bị thả xuống sông.
Lời thú tội của Milam và Roy đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ lớn hướng vào tòa án ở Summer, Mississippi.
Tháng 12/1955, chỉ ba tháng sau khi Emmett bị giết. Rosa Parks, một người phụ nữ da đen từ chối nhường chỗ cho người đàn ông da trắng trên xe buýt. Hành động của cô khởi đầu cho phong trào đòi dân quyền của những người da đen tại Mỹ.
Sau phiên tòa, gia đình Wright đã rời khỏi Mississippi trong sự sợ hãi. Wright không bao giờ quay trở lại Mississippi và mất năm 1960. Carolyn Roy quay trở lại với công việc hàng ngày của mình tại cửa hàng. Cô thừa nhận rất ít người da đen đến cửa hàng của mình để mua sắm. Cửa hàng buộc phải đóng cửa. Roy bị tẩy chay trong công việc. Gia đình Bryant buộc phải chuyển đến Texas. Hai người ly dị nhau năm 1979.
Milam cũng bị cô lập. Những người da đen trong vùng từ chối làm việc cho hắn. Milan phải chuyển đến Texas không lâu sau đó và qua đời vì căn bệnh ung thư vào tháng 12/1981.
Mamie Till làm giáo vên tại Chicago cho đến tận năm 1978. Bà trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen trong nhiều thập kỷ.
Năm 2002, Mamie xuất hiện trên một chương trình truyền hình đặc biệt của đài PBS. Gần 50 năm sau cái chết của Emmett nhưng nỗi đau của một người mẹ mất con vẫn còn nguyên như ngày nào. Chỉ hai tuần sau khi chương trình được phát, Mamie qua đời ở Chicago ở tuổi 81.
Theo Khám phá
.