Dịch bệnh xảy ra cấp bách

Tại phiên xét xử vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Trong khi toà phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cựu Giám đốc CDC Hà Nội lấy lí do nhiều đồng nghiệp cũ, giáo sư, tiến sĩ có đơn xin giảm cho mình để mong toà phúc thẩm lượng hình.

Trước toà, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cho rằng, bản thân có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Theo bị cáo, ngoài tình tiết đã được xem xét tại phiên sơ thẩm, bị cáo còn có bố là người có công với cách mạng. Cơ quan chủ quản có công văn xin giảm nhẹ cho bị cáo; hơn 100 cán bộ CDC Hà Nội có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo và những bị cáo tại CDC Hà Nội…; nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia có văn bản xin giảm nhẹ cho bị cáo.

Bị cáo Cảm cho hay, cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 diễn ra, việc dịch xâm nhập vào Việt Nam chỉ tính bằng giờ nên UBND TP.Hà Nội tập trung chỉ đạo toàn ngành Y tế dồn lực lượng cho việc chống dịch.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm "trần tình" hoàn cảnh phạm tội.

Trước khi dịch xảy ra, CDC Hà Nội không đủ năng lực để xét nghiệm vì đây là dịch bệnh hoàn toàn mới, không có hệ thống xét nghiệm cụ thể. Đơn vị có chủ trương mua sắm trang thiết bị để xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

UBND TP.Hà Nội và Sở Y tế đã giao cho CDC Hà Nội xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, đào tạo nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên toàn hệ thống Hà Nội.

Về trang thiết bị, vật tư, UBND TP Hà Nội và Sở Y tế chỉ đạo bằng nhiều văn bản nhưng trên tinh thần là sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng việc phòng chống dịch. Triển khai thực hiện mua sắm trang thiết bị diễn ra trong thời gian rất ngắn.

Để chuẩn bị cho công tác mua sắm, cuối năm 2019, Sở Y tế giao cho các đơn vị chủ động thực hiện, CDC Hà Nội đã tham khảo, tìm hiểu trên thị trường đề xuất danh mục cụ thể từ chủng loại, giá...

Về quy trình lựa chọn nhà thầu, bị cáo Cảm cho hay trường hợp này thuộc tình trạng cấp bách theo Luật đấu thầu nên được lựa chọn theo thủ tục chỉ định thầu thông thường hoặc rút gọn.

Bị cáo nói: Sự việc xảy ra trong thời gian cấp bách nên lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu.  Theo ý kiến chủ quan của bị cáo, lựa chọn nhà thầu theo hình thức thông thường sẽ mất thời gian, công sức hơn nhưng sẽ khách quan nên bị cáo đã chọn cách này. Sự việc xảy ra trong thời gian cấp bách nhưng CDC Hà Nội vẫn thực hiện đầy đủ các bước nhưng không được đúng quy trình nên dẫn đến sai phạm.

Gói thầu chưa khách quan

Tại phiên xét xử, bị cáo Cảm thừa nhận, gói thầu này có 3 nội dung, 2 nội dung đã được đề xuất trước. Riêng nội dung liên quan đến hệ thống PCR, chưa có quyết định nào về việc mua máy này nên bị cáo đã chủ động liên hệ với các CDC khác để nắm tình hình.

Tại toà, bị cáo Cảm trình bày: Bản thân bị cáo lúc đó cũng chưa biết đề xuất mua loại máy nào, bị cáo rất sốt ruột nên đã đi hỏi rất nhiều và biết được bên Công ty Phương Đông là đơn vị nhập khẩu độc quyền loại máy này nên đã liên hệ.

Về khoản hoa hồng 10% được nhận từ vụ mua thiết bị, bị cáo Cảm phủ nhận. Bị cáo chưa được nghe thấy bất kỳ ai nói về việc bị cáo được hưởng bao nhiêu. Theo bị cáo, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech khai về tỉ lệ ăn chia 10%,  đó là do bị ép.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên xét xử. 

Tiếp đó, bị cáo Cảm trình bày rằng, để chuẩn bị cho công tác đấu giá, CDC Hà Nội có đề xuất danh mục cụ thể, CDC Quảng Ninh mua với giá hơn 8 tỉ đồng, 1 đơn vị khác mua với giá hơn 9 tỉ đồng nên bị cáo đã yêu cầu báo giá thấp nhất, bảo hành 2 năm để đảm bảo vận hành của máy nhưng nếu bảo hành 2 năm thì giá phải là 7 tỉ đồng.

Các phòng chuyên môn của CDC Hà Nội có đề xuất thẩm định giá để đảm bảo tính khách quan, quy trình này được thực hiện nhiều năm trong CDC Hà Nội.

Bị cáo không đủ khả năng để biết được thiệt hại là bao nhiêu. Thiệt hại là hơn 5 tỉ đồng, bị cáo mong được xem xét lại.

Bị cáo không phạm tội với lỗi cố ý bởi động cơ duy nhất là vì công tác phòng chống dịch. Những người làm chuyên môn ai cũng biết khi loại virus này lây lan nhanh sẽ gây chết rất nhiều người nên bị cáo làm việc quên mình mà bỏ qua các rủi ro.

Trình bày trước HĐXX, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi pham tội và mong được giảm nhẹ hình phạt.

Viện kiểm sát bác toàn bộ kháng cáo

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm phải chịu trách nhiệm chính vì tổ chức đấu thầu theo hình thức chỉ định thông thường để mua máy xét nghiệm COVID-19.

Bị cáo Cảm đã trực tiếp thỏa thuận và thống nhất về giá máy xét nghiệm trái quy định. Đồng thời, cựu Giám đốc CDC Hà Nội còn tham gia cùng đối tác làm giả mạo hồ sơ thẩm định giá.

Bị cáo Cảm là người có học hàm, học vị PGS. TS và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo cũng được cơ quan chủ quản và nhiều đồng nghiệp làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, mức án 10 năm tù đã ở mức thấp nhất của khung hình phạt nên không có căn cứ xem xét”, VKS nêu quan điểm.

Theo đại diện VKS, 5 bị cáo còn lại đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Cảm để giả mạo hồ sơ, hợp thức hồ sơ và quy trình chỉ định thầu gây thiệt hại cho Nhà nước.

Từ những lập luận trên, VKSND cấp cao tại Hà Nội bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 6 bị cáo và đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.

 

 

Hà Nhân