Vào thời điểm hiện nay, dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, mắt thường khó có thể phân biệt được đâu là tiền thật, đâu là tiền giả. Tiền Polyme có nhiều mệnh giá, đặc biệt 200.000 đồng và 500.000 đồng là hai loại tiền Việt Nam đồng mà các đối tượng tội phạm hay làm giả nhất. Không những vậy, tiền giả còn được rao bán với đầy đủ các mệnh giá tiền khác nhau, từ những mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng, 20.000 đồng hay mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng.

Thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… các đối tượng công khai rao bán tiền giả với phương thức người mua chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng tội phạm đã định sẵn, sau đó các đối tượng sẽ gửi tiền giả cho người mua qua đường bưu điện hay giao dịch trực tiếp theo kiểu “tiền trao, cháo múc”.

leftcenterrightdel
 Tiền giả bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm tiêu thụ tiền giả là: Dùng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật; sử dụng xen lẫn tiền giả với tiền thật để mua hàng hóa.

Các đối tượng thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già… nơi người dân ít có thông tin về tiền giả. Trước khi mua hàng đối tượng thường gây ra các hành vi khiến người bán hàng mất tập trung hoặc sơ hở, thiếu canh giác lúc người bán hàng đang bận rộn để thực hiện hành vi lưu hành tiền giả.

Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện mua, bán hoặc các giao dịch thương mại nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tránh để các đối tượng lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoạt động phạm tội; nhất là nắm vững một số kiến thức cơ bản về nhận biết tiền Việt Nam thật, giả như sau:

Cách 1: Soi trước nguồn ánh sáng: “hình bóng chìm” của tiền giả không tinh xảo, đường nét mờ nhạt không tự nhiên; “dây bảo hiểm” của tiền giả mờ nhòe khó nhìn hoặc không có dây bảo hiểm; “hình định vị” của tiền giả kích thước và hình ảnh trên 2 mặt tờ tiền lệch nhau, không tạo ra các khe trắng đều nhau.

Cách 2: Kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ tay lên tờ tiền: “nét in nổi” đối với tiền giả 2 mặt tờ bạc trơn lì không nhám ráp hoặc có cảm giác gợn gai tay, chất liệu tờ bạc giòn, không có độ dai, khi vò không có độ đanh, mực dễ bong tróc, có độ bóng hơn tiền thật.

Cách 3: Chao nghiêng tờ bạc: “Mực đổi màu”, tiền giả khi chao nghiêng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không giống tiền thật; “hình ẩn nổi” tiền giả không có hoặc có nhưng rất mờ khó nhìn thấy.

Cách 4: Kiểm tra các cửa sổ trong suốt: cửa sổ có số tiền dập nổi, tiền giả không có hoặc có nhưng số mệnh giá thô, mờ, không sắc nét; cửa sổ có hình ẩn, tiền giả khi soi không thấy hình ẩn xung quanh ngọn đèn….

Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Những tổ chức, cá nhân cố ý thực hiện hành vi sử dụng tiền giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

       - Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

       - Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

       - Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

       - Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

       - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để phòng ngừa tội phạm “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” hoạt động, các cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức cảnh giác; tuyên truyền sâu rộng những cách thủ công đơn giản để nhận biết tiền thật, tiền giả. Cơ quan Công an khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện các đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì liên hệ ngay đến cơ quan Công an gần nhất để được trợ giúp, phối hợp điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Nghiêm Túc