Và xung quanh những vụ trộm “đầu cơ nghiệp” này cũng có quá nhiều chuyện bi hài...
Trộm trâu để lấy tiền... bao gái
Dù quá trình hiện đại hóa nông nghiệp đã diễn ra suốt nhiều năm, song đối với miền núi thì việc cày bừa hay vận chuyển hàng hóa chủ yếu vẫn phải nhờ đến sức trâu. Chính vì thế, đối với đồng bào, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”. Và cũng vì vai trò, giá trị của mỗi con trâu lớn nên vô tình chúng trở thành mục tiêu của những kẻ hành nghề “đạo chích”.
Giàng Lò Hừ (trú tại xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), sinh năm 1981, chữ không biết, tiếng Kinh bập bẹ. Gia đình nghèo túng lại đông con, bố mẹ Hừ quanh năm suốt tháng lăn lộn trên nương rẫy để kiếm miếng ăn cho gia đình nên ít có thời gian quan tâm đến con cái. Mấy anh em Hừ lớn lên như cây cỏ. Khi Hừ sắp đến tuổi trưởng thành thì mẹ ruột qua đời, bố Hừ “gà trống nuôi con”. Gia cảnh là thế nhưng mới thấc lên Hừ đã có nhiều đam mê và tham vọng. Những lúc thấy chúng bạn con nhà khá giả trong bản có mọi thứ, nào là quần áo đẹp, điện thoại đắt tiền, Hừ bắt đầu nhen nhóm ý định kiếm tiền để "cải thiện" cuộc sống. Nhưng vốn dĩ từ nhỏ Hừ đã lười lao động, trình độ lại không có nên hắn chọn nghề “đạo chích”.
|
|
Giàng Lò Hừ: “Bị cáo trộm trâu là để... cải thiện cuộc sống” |
Một lần nhìn mấy đứa bạn thân trong xã đèo bạn gái xúng xính xuống chợ chơi, Hừ cảm thấy ghen tức vô cùng. Cả ngày hôm đó, trong bụng hắn lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm nghĩ cách kiếm tiền cho bằng được. Tối đến, sau khi ăn cơm xong, Hừ một mình lang thang ra bãi chăn thả của dân bản Mu Chi xã Pa Ủ, gần Đồn Biên phòng 309. Ra đến nơi, Hừ đảo mắt nhìn quanh không thấy ai canh đàn trâu, hắn liền tiến lại tốp 3 con trâu đực to khỏe nhất của ông Pờ Hu Chờ vuốt ve. Thấy đàn trâu không phản ứng với người lạ, Hừ liền chạy đi giật một đoạn dây rừng rồi tiến lại gần con trâu to nhất, xỏ vào mũi dắt đi.
Hí hửng vì có được "món hàng" tốt, Hừ thong dong dắt trâu theo đường cái hướng về bản Giẳng (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, Lai Châu) để tìm cách bán lấy tiền. Lúc ấy, trong đầu Hừ đã dự tính sẵn: Nếu bán được trâu, hắn sẽ mua xe máy và điện thoại. Số tiền còn lại, hắn sẽ để dành khao đám bạn gái trong phiên chợ sắp tới. Thế nhưng, chưa kịp vui mừng vì “chiến tích” đầu tay thì Hừ bị người dân phát hiện và truy đuổi. Do sợ bị bắt giữ, Hừ bỏ trâu chạy miết vào rừng lẩn trốn.
Ngay ngày hôm sau, Hừ bị dân quân bản Mu Chi bắt giữ khi hắn đang ẩn náu trong một túp lều canh nương bỏ trống. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Đồn Biên phòng 309 đã chuyển giao đối tượng và toàn bộ hồ sơ cho cơ quan công an huyện Mường Tè để điều tra theo thẩm quyền.
Mới đây, TAND huyện Mường Tè đã đưa Giàng Lò Hừ ra xét xử về tội Trộm cắp tài sản. Căn cứ vào hành vi phạm tội của Hừ, cùng các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Giàng Lò Hừ 18 tháng tù. Bản án nghiêm khắc dành cho Hừ cũng là bài học cảnh tỉnh cho những thanh niên không chịu tu chí làm ăn, thích kiếm tiền bằng nghề phi pháp.
|
|
Lương Văn Nguyên: "Tôi biết mình sai rồi" |
Một cán bộ Tòa án huyện Mường Tè đã kể lại rằng, trong suốt phiên tòa xét xử ngày hôm ấy, Hừ luôn cúi gằm mặt bên vành móng ngựa, thỉnh thoảng mới dám quay xuống nhìn bố. Những giọt nước mắt hối hận thực sự đã chảy dài trên má Hừ. Được nói lời cuối cùng, Hừ quay về phía người cha già nghẹn ngào: "Con biết hành vi của con là sai trái. Cũng chỉ vì muốn có tiền nhanh chóng mà con gây ra tội lỗi. Con hứa với cha con sẽ cải tạo thật tốt để về đoàn tụ cùng gia đình. Cha hãy giữ gìn sức khỏe...".
Nước mắt lưng tròng, ông Giàng Xì Chờ, cha đẻ của Hừ, buồn rầu cho biết: “Cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi thì suốt ngày quần quật trên nương rẫy nên chẳng có thời gian chú ý đến cuộc sống của con cái. Chẳng ai ngờ thằng Hừ lại hành động dại dột như vậy. Tôi chỉ mong sau này khi hết hạn cải tạo nó trở về cùng gia đình làm lại từ đầu”.
“Đốt” cả trâu vào bàn đèn, nõ điếu
Cũng nghèo đói và thất học từ tấm bé như Hừ, nhưng con đường dẫn vào vòng lao lý của Lương Văn Nguyên (SN 1976, người dân tộc Thái, nhà ở bản Pà Cá, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An) lại hoàn toàn khác. Nếu như Hừ đi trộm trâu chỉ vì muốn có tiền sắm sanh, khoe mẽ với bạn gái, còn Nguyên trộm vì... ma túy.
Nguyên nghiện, từ khi mới ngoài 20 tuổi. Tính đến giờ, thâm niên “ôm bàn đèn” của gã cũng tròm trèm hai thập kỷ. Ngần ấy năm hút xách thì đến tỷ phú, đại gia cũng thành ăn mày, huống hồ một gã nghèo kiết xác từ tấm bé như Nguyên. Nhà Nguyên nghèo, tất tật chục miệng người gồm bố mẹ và bảy anh chị của gã chỉ trông chờ vào mấy mảnh nương. 16 tuổi, vừa hết lớp 6, gã bỏ học theo mấy đứa bạn chui vào rừng làm… lâm tặc.
Ngày chui rúc rừng rú tìm cây, đêm lán trại buồn hiu hắt, Nguyên bập vào ma túy như một định mệnh đắng cay. “Dạo ấy, đi chặt gỗ mỗi ngày được khoảng vài chục nghìn. Sáng vác dao, cưa, đục lên rừng, chiều xòe tay đếm tiền, tối về ném hết vào “ống tiêm”! Mua ở đâu à? Lúc đó vào bản Mông giáp biên nhà nào chả có, mua thuốc phiện dễ hơn mua rau. Có khi thằng “cai gỗ” nó còn đi mua về bán nợ cho mình. Mình hút, mình có sức khỏe, mình lại chặt được gỗ cho nó nhiều hơn, tội gì nó không bán?! Mà giữa rừng buồn lắm, cả tuần, cả tháng không gặp một bóng người, không hút thì biết làm gì?!”, Nguyên kể.
Ngày tháng chảy trôi, cuộc đời Nguyên chìm trong khói thuốc. Thế nhưng, người ta nói rằng, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Chỉ một thời gian sau, Nguyên tự nhận thấy sức khỏe của mình suy kiệt. Gã thường xuyên bị đau ngực, miệng ho rũ rượi, mặt và toàn thân nổi mụn. Nhiều khi tiền công chặt gỗ, phá rừng cũng chả đủ vài cữ thuốc. Mà không thuốc thì không vác được rìu, không "lái" được cưa, thế là gã bỏ rừng về nhà bám váy mẹ.
Bỏ rừng, nhưng Nguyên không bỏ thuốc, mà muốn nghiện thì phải có tiền. Thế là gã sinh nghề ăn cắp. “Gà què ăn quẩn cối xay”, thỉnh thoảng rình lúc bố mẹ, vợ con vắng nhà, Nguyên lại “tiện tay” xách con gà, bao gạo của gia đình mang đi đắp đổi “hàng trắng”, “cơm đen”. Thế nhưng, nhà gã nghèo, chỉ mới vài lần “tiện tay”, gã đã khiến trong nhà chả còn vật dụng nào đáng giá. Từ đó gã bắt đầu đi chôm chỉa của bà con, hàng xóm.
Vốn đã có nhiều năm lang bạt trong khắp các cánh rừng thuộc miền Tây xứ Nghệ nên Nguyên biết được đồng bào ở vùng này có thói quen thả rông trâu bò trên núi, thảng hoặc người ta mới lên đó để tìm về. Trong đầu gã bắt đầu ấp ủ ý định trộm trâu. Một lần khi lang thang trên khu vực đồi Tà Láo (bản Pà Cá, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An), Nguyên phát hiện ra một con trâu của gia đình ông Chang Văn Thiết (ở bản Na Pú, xã Mường Nọc) đang ăn cỏ gần đó. Sau khi tính toán, Nguyên quyết định giết lấy thịt đem bán chứ không dắt cả con. Gã liền tiến lại gần con trâu rồi rút dao chém vào chân sau để nó không chạy được, rồi tiếp tục chém nhiều nhát vào cổ cho đến khi trâu chết hẳn. Sau đó, gã chặt lấy bốn cái đùi mang đi đổi heroin. Toàn bộ số thịt còn lại, gã ném vào hốc đá bên bờ suối.
Sau đó, một người đi rừng đã phát hiện ra số thịt trâu liền về báo với dân bản và chính quyền. Đến lúc ấy, cả bản mới nháo nhào vào rừng gọi tìm gia súc của mình. Và cũng phải đến lúc bấy giờ, gia đình ông Thiết mới biết nhà mình bị mất trâu. Nguyên cũng tham gia vào đoàn người đi lên núi, thậm chí, gã còn gặp gỡ, nói lời an ủi, chia buồn với gia đình ông Thiết.
Sám hối muộn màng
Suốt ba tháng sau, Nguyên nằm im không dám có động tĩnh gì. Nhưng đến khi không chống lại được cơn nghiện hành hạ, Nguyên lại vác dao và bao tải lên đồi Pù Lão (bản Pà Cá, xã Mường Nọc, Quế Phong, Nghệ An). Thấy con trâu của gia đình bà Lữ Thị Hải (ở bản Na Pú, xã Mường Nọc) ở đó, gã liền lùa trâu vào trong hẻm núi rồi dùng dao tấn công cho đến chết. Do con dao bị mẻ nên gã chỉ chặt được một chân sau rồi cho vào bao tải dứa mang về.
|
|
Ở vùng cao, đồng bào vẫn còn giữ thói quen thả rông trâu bò |
Chờ đến khi trời tối, Nguyên mới dám mang thịt trâu xuống thị trấn Kim Sơn (Quế Phong, Nghệ An) để bán. Khi mới đến đầu thị trấn, gã bị tổ công tác của Ban công an thị trấn Kim Sơn chặn bắt. Biết không thể thoát, Nguyên liền rút rao trong người ra rồi tự cứa vào cổ mình để tự vẫn. Ngay sau đó, gã được các lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu. Gã thoát chết trong gang tấc...
Mới đây, TAND huyện Quế Phong, Nghệ An đã đưa Lương Văn Nguyên ra xét xử. Đứng trước Tòa, lý giải về việc tự tử, Nguyên khai rằng: "Tại vì bị cáo nghĩ nếu bị bắt, sẽ phải đi ở tù cả đời. Như thế thì "mất mặt" với hàng xóm láng giềng, mất mặt với dân bản quá! Với lại, những ngày trốn ở trên rừng, bị cáo thấy mình đã không giúp đỡ được vợ con mà lại còn làm khổ họ, nên bị cáo mới quyết tìm đến cái chết. Chết là hết mà...". Triết lý là vậy, nhưng khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi: "Biết xấu hổ với làng xóm, biết nghĩ đến vợ con, sao bị cáo không quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời?", Nguyên chỉ im lặng cúi đầu.
Khi được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, Nguyên ngước nhìn HĐXX rồi quay xuống phía hội trường nói với tất cả những người tham dự, đại ý rằng: “Bị cáo biết mình sai rồi. Cũng chỉ vì ma túy mà bị cáo đã đánh mất mọi thứ, trở thành gánh nặng cho gia đình, cho vợ con. Thế nên, chỉ mong các anh chị, các bạn ngồi đây cố gắng làm người có ích, đừng tàn phá cuộc đời bằng ma túy như tôi!”. Kết thúc phần nghị án, HĐXX tuyên phạt Lương Văn Nguyên 2 năm tù.
Trong cả hai phiên tòa xét xử Giàng Lò Hừ và Lương Văn Nguyên có rất đông người xem, phần lớn là đồng bào dân thiểu số. Hy vọng rằng, nhìn vào những “tấm gương” kia, họ sẽ bớt đi những sai lầm, nông nổi trong cuộc sống sau này. Và cũng hy vọng rằng, sau lần vấp ngã này, những kẻ như Hừ, như Nguyên sẽ biết đứng lên làm lại cuộc đời.
Nam Hoàng (Công lý)