Xu hướng M&A ngân hàng 2015 và những dự án 'lỡ hẹn'
Cập nhật lúc 00:20, Thứ sáu, 16/01/2015 (GMT+7)
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng là đề tài được nhắc đến thường xuyên tại các hội nghị, đại hội cổ đông thường niên. Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn năm 2014-2016 sẽ là thời điểm M&A tăng mạnh mẽ nhất. ( ngân hàng, xu hướng, M&A)
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng là đề tài được nhắc đến thường xuyên tại các hội nghị, đại hội cổ đông thường niên. Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn năm 2014-2016 sẽ là thời điểm M&A tăng mạnh mẽ nhất.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng/ngân hàng đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Để nâng cao năng lực các tổ chức nhỏ cũng như tạo nên các tổ chức có đầy đủ “sức khỏe” về mọi mặt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, M&A có thể là con đường duy nhất của các ngân hàng. Hơn thế, nhìn vào thực tế những năm qua, thị trường tài chính đã chứng kiến rất nhiều ngân hàng nhỏ trước sức ép cạnh tranh đã đi đến quyết định sáp nhập hoặc bán lại cho một ngân hàng khác lớn hơn.
Tiêu biểu, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sau quá trình hoạt động không mấy thuận lợi, lợi nhuận sụt giảm liên tục đã đi đến quyết định sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Southern Bank được giới tài chính ví von như “cô gái có khuôn mặt đẹp nhưng tay chân loằng ngoằng” kết hôn cùng “chàng trai hoàn hảo” Sacombank, “cuộc hôn nhân” này vấp phải không ít sự phản đối từ phía cổ đông Sacombank. Tuy vậy, năm 2015 nhiều khả năng thương vụ M&A trên sẽ được hoàn tất bởi cả 2 ngân hàng có bóng dáng ông chủ Trầm Bê phía sau.
Mặc dù không nằm trong diện tái cơ cấu nhưng Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiA Bank) vẫn lựa chọn phương án sáp nhập sau khi các cổ đông lớn lần lượt thoái vốn. Ngân hàng được DaiA Bank sáp nhập vào là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank). Sau sáp nhập, vốn điều lệ của HD Bank đạt đến con số 8.100 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thường niên sáng 19/4/2014, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng được ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Maritime Bank công bố. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2014 tại ngày 30/6/2014 của Maritime Bank được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam có lưu ý: Tại thời điểm lập báo cáo này, ngân hàng chưa nhận được sự chấp thuận nguyên tắc của NHNN về phương án sáp nhập.
Cuối năm 2014, Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) phải nhờ đến sự giúp đỡ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) để mọi việc tốt hơn. Việc này khiến không ít người tin rằng, “đối tượng” Vietcombank đang nhắm tới trong việc cho sáp nhập là VNCB.
Được biết, ngày 25/12/2014 vừa qua, tại ĐHCĐ bất thường ban lãnh đạo Vietcombank cũng trình cổ đông và thông qua chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào ngân hàng.
Không riêng gì những ngân hàng trên, mặc dù đang hoạt động rất ổn định về tài chính nhưng Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đang tính đến chuyện “kết hôn” cùng một tổ chức tín dụng để tăng sức mạnh trên thương trường. Ngày 8/1, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, ngân hàng sẽ tính đến chuyện M&A. Đối tác của Nam A Bank hiện giờ chưa thể “bật mí” nhưng sẽ chọn ngân hàng phù hợp với thế mạnh của Nam A Bank là đi vào bán lẻ thật sự chứ không chạy theo các thương vụ lợi ích.
Bên cạnh các M&A đình đám làm tốn hao nhiều giấy mực của báo giới trong năm qua, một số ngân hàng nhỏ lẻ khác cũng có ý định M&A để tăng cường năng lực tài chính, giảm thiểu sức ép từ sự cạnh tranh của nền kinh tế nhưng chưa thể thực hiện được là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Sea Bank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Thậm chí, “đại gia” Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đang tìm kiếm đối tượng M&A phù hợp…
Có thể nói, M&A không có nghĩa là tổ chức tín dụng này “mất” vào tay tổ chức tín dụng khác. Xét theo một ý nghĩa khách quan thì M&A đồng nghĩa với việc ổn định thị trường tiền tệ, giảm thiểu các tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực các tổ chức tín dụng để đáp ứng được nhu cầu khách quan của thị trường.
Theo Đời sống & Tiêu dùng
.