Nếu như vay ngân hàng, tùy theo từng loại vay mà có mức lãi suất khác nhau, còn lại đều chỉ ở mức trung bình khoảng 1%/tháng. Song, chuyện đảm bảo đủ hồ sơ, thủ tục để được ngân hàng cho vay không phải lúc nào cũng được. Vì vậy, không ít người tìm đến tín dụng đen và phải trả lãi “cắt cổ”.
 
 
Muốn vay tiền ngân hàng phải thực hiện hàng loạt thủ tục, rồi tài sản thế chấp, hay những chữ ký bảo lãnh của cơ quan, đơn vị công tác (nếu là vay tín chấp). Phần lớn người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, việc thế chấp tài sản để vay tiền của ngân hàng là một rào cản lớn, bởi họ làm gì có tài sản. Còn đối với người nghèo, các chế độ, chính sách vay ưu đãi, vay theo chương trình của ngân hàng chính sách thì chỉ được số tiền nhỏ, khoảng 10 - 20 triệu đồng. Số tiền này đôi khi không đủ để trả nợ trong sinh hoạt. Do đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến “tín dụng đen”.
 
Để có tiền cải tạo đầm tôm sau 3 vụ thất trắng, anh N.V.H đành vay nóng với lãi suất 20%/tháng. Vay 30 triệu đồng, sau 4 tháng, cả vốn và lãi là 54 triệu đồng. Anh N.V.H tính toán, nếu trúng đậm vụ tôm thì sau khi trả nợ vẫn còn lãi. Mà nếu không vay thì cũng không biết xoay xở ở đâu, trong khi các khoản nợ do thất trắng 3 vụ tôm trước vẫn đang réo gọi. Cái này gọi là càng quẫn thì càng liều.
 
Những trường hợp như anh N.V.H không hề ít. Từ đó, các vòi tín dụng cho vay với lãi suất cắt cổ tiếp tục bành trướng, từ chợ đến các vùng quê. Kéo theo đó còn hình thành các tệ nạn, như đòi nợ kiểu xã hội đen, tự tử vì nợ nần. Nhiều gia đình vì nợ mà cho con nghỉ học, vào đời sớm, kéo theo nhiều hệ lụy.
 
Hầu hết những người dính vào vòng xoáy nợ nần từ tín dụng đen, các dịch vụ cho vay nặng lãi, khi được hỏi đều có cùng một câu trả lời: họ không hoặc rất ít tiếp cận được các chương trình cho vay từ phía Nhà nước, các ngân hàng.
 
Không phải tất cả các trường hợp có nhu cầu vay đều được ngân hàng cho vay. Bởi, hoạt động ngân hàng còn phải đảm bảo an toàn vốn vay. Do vậy, những vòi tín dụng đen vẫn len lỏi và còn tồn tại. Song,  nếu Nhà nước có nhiều chương trình, chính sách cho vay ưu đãi dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sản xuất, kinh doanh thì cũng góp phần giảm thiểu những trường hợp phải vay với lãi suất cắt cổ đến nổi phải tan nhà, nát cửa. Và điều quan trọng nhất vẫn là ở những người là khách hàng đi vay. Cần tỉnh táo, đừng để mắc bẫy tín dụng đen, để đến khi hối hận thì đã muộn.
 
Theo Kim Tuấn (Báo Bạc Liêu)
.