Vì sao Trung Quốc phá giá nhân dân tệ?
Cập nhật lúc 16:12, Thứ hai, 14/09/2015 (GMT+7)
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) đã ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Hỗ trợ xuất khẩu không phải là lý do duy nhất để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tìm cách hạ tỷ giá CNY/USD. (nhân dân tệ, tỷ giá, Trung Quốc)
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) đã ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Hỗ trợ xuất khẩu không phải là lý do duy nhất để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tìm cách hạ tỷ giá CNY/USD.
Nguyên nhân Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ vẫn được nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới tranh luận. Tuy nhiên, hầu hết đều đồng ý rằng đây là bước đi chiến lược của Trung Quốc giúp đồng tiền điều chỉnh theo đúng giá trị thị trường. Đây là một trong những điều khoản để đồng tiền Trung Quốc được chấp nhận cho vào rổ tiền tệ dự trữ bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nằm ngang hàng với đồng USD, EUR, JYP, GBP và nâng cao vị thế của quốc gia này. Bước đi này đã đạt được hiệu quả ban đầu khi IMF đánh tiếng ủng hộ quyết định này của Trung Quốc nhưng vẫn phải đợi đến ngày xét duyệt là 30/9/2016 để quyết định có đưa CNY vào rổ tiền tệ dự trữ này hay không.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Bloomberg cho rằng đây là bước đi để đẩy mạnh việc xuất khẩu hiện đang có dấu hiệu trì trệ của quốc gia đông dân nhất thế giới. Không ngẫu nhiên mà việc Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ ngay thời điểm các số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của quốc gia này tiếp tục trên đà giảm mạnh trong tháng 7 năm nay.
Chờ động thái từ FED
Một trong các nguyên nhân khiến nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) chuẩn bị các phương án để đón việc tăng giá của đồng USD là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang lấp lửng về thời điểm tăng lãi suất.
Điều này cũng nhận được ý kiến trái chiều từ nhiều chuyên gia kinh tế. “Các đồng tiền mới nổi sẽ ngày càng chịu áp lực giảm giá lớn hơn, qua đó đặt áp lực lạm phát lên toàn khu vực. Cơn bão sẽ đến khi FED tăng lãi suất vì điều này sẽ hút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác”, Christopher Balding, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo.
Tuy nhiên, tiếng nói từ nhiều nền kinh tế mới nổi cho rằng, họ đã sẵn sàng để đón nhận việc tăng lãi suất của Mỹ. Trang tin CNBC cho biết, trong buổi họp của các ngân hàng trung ương toàn cầu mới đây, nhiều nhà hoạch định chính sách từ các quốc gia mới nổi cho rằng FED đã sẵn sàng cho chính sách thắt chặt tiền tệ, bắt đầu bằng việc tăng lãi suất. “Nếu FED bắt đầu thắt chặt tiền tệ, nguyên nhân là do họ cho rằng lạm phát đang có chiều hướng tăng trở lại và quan trọng nhất là tỷ lệ thất nghiệp giảm sút và kinh tế đang được phục hồi”, ông Agustins Carstens, quan chức cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Mexico, lạc quan trước động thái của FED.
“Đối với các thị trường mới nổi, những nền kinh tế nhỏ hơn thường tự làm yếu đồng tiền của họ. Như vậy, trên quan điểm của các quốc gia này thì bước đi của FED có thể sẽ giúp đồng tiền nội tệ của họ giảm giá dễ dàng hơn”, James Bullard, Chủ tịch FED tại thành phố St. Louis, bang Missouri cho biết.
Theo Người tiêu dùng
.