Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn nóng nhất trong vòng 8 năm trở lại đây với chỉ số VN-Index lên đỉnh cao nhất kể từ năm 2008 đạt 647,96 điểm. Nhiều cổ phiếu đã tăng giá không ngừng nghỉ nhưng nhóm cổ phiếu một thời dẫn dắt thị trường - cổ phiếu ngành ngân hàng trở nên im ắng đến “khó thở”.

 

 

Từ đầu năm đến nay (ngày 23/8/2016), cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất thuộc về BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 18,3%, tương ứng giảm 3.700 đồng/cổ phiếu. Từng được coi là cổ phiếu dẫn dắt nhóm ngân hàng, thế nhưng từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này lại trở thành cổ phiếu dẫn đầu trong các cổ phiếu giảm mạnh. Giảm mạnh thứ hai thuộc về cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ở mức 17,1%, tương ứng 1.100 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 16,6%, tương ứng 2.100 đồng/cổ phiếu.

 

Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) giảm với 6,56%, tương ứng 1.200 đồng/cổ phiếu. Trái ngược với 2 ngân hàng VietinBank và BIDV do cổ đông Nhà nước chi phí, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được xem như một hiện tượng khi tăng một mạch từ 47.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 6 lên 58.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

 

VCB trở thành một hiện tượng trong nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có lẽ không mấy bất ngờ, bởi đối với Vietcombank có sức hoạt động mạnh, ổn định từ đường hướng phát triển đến lãnh đạo thì việc thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư là không khó khăn.

 

Nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư mất quan tâm

 

Trước đó, theo một số ý kiến của các chuyên gia chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ hết sóng trong năm 2016, khó quay trở lại trước bối cảnh giá dầu giảm và lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố trên khiến nhóm cổ phiếu này khá “im ắng” trong nửa đầu năm nay thì còn nhiều yếu tố tồn tại trong các ngân hàng cũng là nguyên nhân chính.

 

Theo HSC, vấn đề tiến độ tăng vốn của BIDV và Vietcombank hay kết quả của việc trả cổ tức tiền mặt hay cổ tức cổ phiếu của BIDV và VietinBank, những thông tin không chính thức trên thị trường về khả năng bổ nhiệm hội đồng quản trị mới tại BIDV, những khoản vay liên quan đến tái cơ cấu CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), chỉ tiêu tài chính kém đi của Sacombank sau sáp nhập với Southern Bank, tình trạng đình trệ trong thu hồi nợ xấu, mâu thuẫn giữa các cổ đông tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và những vấn đề quản trị khác đang diễn ra ở một số ngân hàng có quy mô trung bình.

 

Với tất cả những vấn đề trên trong ngành, kể từ quý 3/2015, khó để thu hút nhà đầu tư mua vào cổ phiếu ngân hàng. Với tất cả những vấn đề nêu trên, HSC cho rằng nhà đầu tư sẽ không mấy quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng trong những tháng cuối năm mặc dù vẫn có thể có những đợt tăng ngắn hạn. Cổ phiếu CTG có tính phòng vệ cao, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cao nhưng room của 2 cổ phiếu này đã đầy.

 

Mặt khác, vấn đề nợ xấu lại bắt đầu khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại khi có chiều hướng tăng trở lại tại hầu hết các ngân hàng niêm yết. Trong 9 ngân hàng niêm yết, tính đến hết quý 2/2016, các nhà băng này đang có hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng của cuối năm 2015. Trong đó, Eximbank đang là ngân hàng có mức nợ xấu tăng cao nhất, từ mức 1,86% cuối năm 2015, lên tới 5,3% cuối quý 2/2016. Đối với BIDV, “bóng ma” nợ xấu lại đeo bám khi tăng từ 1,6% lên 2%; Sacombank tăng nợ xấu từ 1,8% lên tới 2,8% gần chạm trần tỷ lệ nợ xấu.

 

Riêng trường hợp của Sacombank và BIDV, việc nợ xấu có chiều hướng tăng do đang phải “ôm” nợ xấu từ các ngân hàng mới sáp nhập (Southern Bank, MHB) trong năm vừa qua. Thế nhưng, dù với những lý do gì cũng không thể phủ nhận việc nợ xấu tăng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng vì các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

 

Theo NTD

.