Thừa “lệnh” của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường cho vay tín chấp, các ngân hàng đang căng mình triển khai. Tuy nhiên, cần phòng ngừa việc lợi dụng, làm biến tướng để bỏ túi riêng, khiến các các tổ chức tín dụng bị thiệt hại.
 


Cũng theo vị này, vì chuyện trách nhiệm nên mới có tình trạng "có tài sản đảm bảo mà như không". Các dạng tài sản như hàng tồn kho luân chuyển, khoản phải thu luân chuyển, hay quyền thụ hưởng L/C... bản chất chỉ là tín chấp vì thực tế không có gì cả. Chẳng hạn, ngành truyền tải điện lực thế chấp quyền khai thác đường dây, thế chấp lợi thế thương mại từ việc khai thác khu đất... Đây thực ra là các dạng tín chấp, nhưng ngân hàng vẫn "nhận cho có" vì nhiều lý do.

Qua tham khảo, rất ít nhà băng chấp nhận cho vay tín chấp, đặc biệt là với DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ (SME) và các cá nhân hộ gia đình. Lý do, vì "hệ thống kế toán không chuyên nghiệp, có thể có tới vài loại báo cáo tài chính, chưa kể sổ sách viết tay, doanh thu tiền mặt... ".

"Trong khi đó, ngân hàng lại thích máy móc thiết bị; bất động sản (chỉ có giới hạn), còn tín dụng phải tăng trưởng thì lấy đâu ra tài sản đảm bảo? Đây chính là vấn đề nan giải kìm hãm việc tăng trưởng tín dụng. Nó còn dập tắt cơ hội khởi nghiệp của khá nhiều doanh nhân trẻ. Vay tín chấp để làm ăn chỉ nhờ ý tưởng, rất khó, nếu không muốn nói là không thể", một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Ngược lại, các ngân hàng quốc tế lại sẵn sàng cho vay tín chấp, chỉ cần người vay có phương án khả thi, nguồn trả nợ rõ ràng, hay nói cách khác là dòng tiền phải minh bạch và ngân hàng quản lý được dòng tiền.

Những bài toán bí lời giải

Như vậy, để giải được bài toán cân đối tài sản và tín dụng phải giải được một số bài toán cơ bản.

Đầu tiên là chính sách và vận hành chính sách. Giám đốc Quản trị rủi ro một ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn, các ngân hàng phải biết vận dụng. "Cho vay tín chấp thực tế có rồi, nhưng hướng tới các khách hàng lớn, có uy tín như dạng tổng công ty nhà nước, các ngành độc quyền hoặc cá nhân có uy tín, vị thế, có nguồn thu nhập cao được khẳng định. Bây giờ mở rộng cho vay tín chấp cần tránh tình trạng chính sách hội sở ban hành, cán bộ tín dụng ở dưới không làm được".

Lo nhất là khâu vận hành chính sách. "Chất lượng cán bộ tín dụng hiện chúng tôi không dám chắc vì bây giờ đông quá, mà đào tạo được cán bộ giỏi nghiệp vụ, đặc biệt làm tín dụng phải có sự nhạy cảm thì thực sự khó", ông này chia sẻ. Đáng sợ nữa là việc lợi dụng chính sách, móc ngoặc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và cán bộ tín dụng. Bài học cho vay tín chấp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn còn nóng hổi.

Thứ hai là sự minh bạch và trình độ quản lý của doanh nghiệp. Không ít đơn vị có đến mấy hệ thống sổ sách để đối phó với cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán, ngân hàng, sổ sách nội bộ... "Không ít cá nhân thành lập 2, 3 doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp chỉ để xuất hóa đơn, làm chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn cho doanh nghiệp còn lại đi vay", một cán bộ tín dụng nói.

Sự thiếu thông tin, sự không hiểu nhau giữa ngân hàng khách hàng sẽ mãi là rào cản để tiến tới việc cho vay tín chấp. Trình độ quản lý của chủ DN cũng là cả vấn đề. "Công ty vốn làm ăn tốt, nhưng do ông chủ được tôn vinh quá nhiều đâm ra quá đà, vung tay quá chán vào những việc không đâu, đầu tư trái ngành... rồi thua lỗ, không còn gì trả nợ".

Tuy nhiên, ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng yêu cầu ngân hàng chia sẻ. Giám đốc một doanh nghiệp than thở: "Không may bị nổ một lò hơi, chúng tôi tha thiết đề nghị ngân hàng cấp vốn để tiếp tục sản xuất và sẽ trả nợ dần. Dù sẵn sàng cho ngân hàng vào quản lý, nhưng họ cương quyết không giải ngân. Oái oăm, một ngân hàng dừng giải ngân là tất cả sẽ có động thái tương tự khiến chúng tôi lao đao".
 

Theo VEF