leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại chương trình (Ảnh: T. D) 

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam cùng một số cơ quan đã tổ chức chương trình giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với An ninh Tài chính, Tiền tệ”.

Theo các chuyên gia, tính đến cuối năm 2017, quy mô tổng tài sản hệ thống tài chính tương đương 295% GDP, lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế riêng năm 2017 là 1,54 triệu tỷ đồng, tương đương 31% GDP, thâm hụt ngân sách giảm xuống mức 3,5% GDP, quá trình tái cơ cấu đang lành mạnh hóa thị trường và hệ thống các định chế tài chính trung gian. Quan trọng hơn, những nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống tài chính - tiền tệ vừa qua đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, giảm chi phí huy động vốn của nền kinh tế và gia tăng mức độ bao phủ, tiếp cận tài chính quốc gia.

Đặc biệt, thông qua hệ thống tài chính - tiền tệ, công tác định hướng điều hành nền kinh tế của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ngày càng hiệu lực và hiệu quả hơn.

Để hệ thống tài chính - tiền tệ vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả, việc đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và Việt Nam hội nhập sâu rộng với hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Quyền- Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình cho biết, tài chính, tiền tệ là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước và là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Thế giới từng có hàng loạt cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra và hầu hết đều có nguồn gốc từ những bất ổn trong hệ thống tài chính – tiền tệ…

Đáng nói, các cuộc khủng hoảng đó đều có nguyên nhân do công tác truyền thông đã không được thực hiện hiệu quả và có thiếu sót trong minh bạch hóa thông tin của các thành viên trên thị trường. “Tại Việt Nam, có thời điểm những tin đồn thất thiệt về lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã làm cho thị trường chao đảo như: NHNN sắp đổi tiền (cuối năm 2006)… Từ đó cho thấy, công tác thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ”- ông Quyền nói.

leftcenterrightdel
Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại buổi giao lưu (Ảnh: T. D) 

Từ thực tế của người làm công tác thông tin, truyền thông, nhà báo Nguyễn Đức Đông, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Người đưa tin - Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ, thông tin truyền thông có vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia; và đây cũng là một vấn đề có phạm vi thông tin rộng, có tính thời sự, thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, thông qua các buổi giao ban báo chí hàng tuần, có nhiều văn bản của ngân hàng đưa ra đề nghị các cơ quan báo chí thông tin như thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng nên ông đã có ý tưởng tổ chức buổi giao lưu để định hướng cơ quan báo chí, giúp cơ quan báo chí hiểu hơn về hoạt động đặc thù của lĩnh vực ngân hàng.

Qua buổi giao lưu cung cấp thông tin đa chiều đến các tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân về những vấn đề liên quan đến pháp luật, hoạt động tài chính, an ninh tài chính - tiền tệ trong nước và thế giới thời gian qua; Đánh giá, xác định những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh tài chính - tiền tệ ở Việt Nam; từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, kịp thời nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới truyền thông về an ninh tài chính - tiền tệ Quốc gia;

 Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến giúp nhân dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về hoạt động tài chính – tiền tệ và tạo điều kiện phối hợp với Nhà nước và các tổ chức tài chính trong việc tuyên truyền, hỗ trợ điều hành chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia và tăng cường an ninh tài chính - tiền tệ; Đồng thời, có định hướng dư luận trong việc cung cấp thông tin chính thống về pháp luật, tài chính - tiền tệ kinh tế nhanh chóng, kịp thời, trung thực và chính xác tới người dân, doanh nghiệp.

Chương trình giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với An ninh Tài chính, Tiền tệ”, tập trung vào 5 nội dung:  Quan niệm về An ninh tài chính, tiền tệ; Xác định thông tin chính xác, an toàn về hệ thống tài chính, tiền tệ; Ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo An ninh tài chính, tiền tệ; Nâng cao quản trị để ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo An ninh tài chính, tiền tệ; Vai trò của báo chí với công tác An ninh tài chính, tiền tệ.

Đặc biệt, cuốn sách “An ninh Thông Tin - Tài Chính, Tiền Tệ” đã được xuất bản với mục đích nhằm: Tuyên truyền, phổ biến giúp nhân dân, doanh nghiệp nhận thức, hiểu biết tốt hơn về các quy định của pháp luật về hoạt động tài chính, tiền tệ và tạo điều kiện phối hợp với Nhà nước và các tổ chức tài chính trong việc tuyên truyền, hỗ trợ điều hành chính sách tài chính - tiền Tệ Quốc gia và tăng cường an ninh tài chính - tiền tệ.

Cuốn sách gồm nhiều bài viết của các tác giả là Lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông,…tập trung vào các chủ đề chính như: Vấn đề bảo mật, an ninh thông tin tài chính - tiền tệ trong nền kinh tế số; Nâng cao khả năng nhận diện, ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro, nguy cơ từ tin đồn thất thiệt trong hệ thống, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính - tiền tệ…

Chương trình giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với An ninh Tài chính, Tiền tệ” có sự tham gia đồng hành của 18 đơn vị. Trong đó, nhà tài trợ Kim cương  gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank); Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). 

Nhà tài trợ vàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Cienco4); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Nhà tài trợ Bạc: Ngân hàng TMCP An Bình (AB bank); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). 

Nhà tài trợ Đồng: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Vpbank). 

Ngoài ra, chương trình còn sự đồng hành của Tổng công ty Viglacera - CTCP; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; Công ty TNHH Hoàng Ngân; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank); Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB)./.  

Thanh Dịu