Trung Quốc thả nổi đồng tiền: Xuất khẩu ít biến động
Cập nhật lúc 08:58, Thứ tư, 19/08/2015 (GMT+7)
Phản ứng từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu trong nước trước tình hình Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ đã bình tĩnh trở lại, không còn lo âu nhiều như những ngày đầu. Nhận định của các DN về việc này, khó khăn về xuất khẩu thời gian tới không phải là tất cả mà chỉ ở một số ngành. ( ngoại tệ, nhập khẩu, Trung Quốc)
Phản ứng từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu trong nước trước tình hình Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ đã bình tĩnh trở lại, không còn lo âu nhiều như những ngày đầu. Nhận định của các DN về việc này, khó khăn về xuất khẩu thời gian tới không phải là tất cả mà chỉ ở một số ngành.
|
Kiểm ngoại tệ tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai. |
Sau khi Nhân dân tệ của Trung Quốc được thả nổi, hàng loạt đồng tiền các quốc gia khác, như: đồng baht Thái, đôla Singapore, peso Philippines, won Hàn Quốc... giảm mạnh theo. Đây cũng là cách để bảo vệ và thúc đẩy xuất khẩu của các quốc gia này.
Công nghiệp vẫn “bình chân”
Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +1% lên + 2% được áp dụng từ ngày 12-8-2015. Hiện tại, tỷ giá USD tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai chiều ngày 17-8, bán ra 22.105 đồng/USD, mua vào 22.035 đồng/USD. |
Theo dõi về biến động tiền tệ trong những ngày qua, anh Vương Hoài Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ xuất khẩu J.F (văn phòng TP.Hồ Chí Minh, có nhà máy tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch), cho rằng riêng ngành chế biến gỗ xuất khẩu không chịu tác động nhiều của việc thả nổi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, cũng như việc giảm giá tiền của một số quốc gia khác trong khu vực. Anh Nam cho rằng đây không phải là điều đáng lo ngại của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, bởi thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Các DN của Trung Quốc phải nhập khẩu nguồn gỗ nguyên liệu khá lớn từ nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam. Đồng tiền bị phá giá nên nhập khẩu nguyên liệu của các DN này trở nên bất lợi, như vậy khi sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu họ cũng khó có giá rẻ được” - anh Nam phân tích.
Ở một số ngành sản xuất, xuất khẩu thế mạnh của DN Việt Nam như may mặc, giày dép, nhiều chủ DN và chuyên gia kinh tế nhận định rằng không mấy quan ngại. Theo đó, phần lớn nguồn nguyên phụ liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là cơ hội nhập được nguồn nguyên liệu rẻ, do đó sẽ tăng tính cạnh tranh. Như vậy, việc thả nổi đồng Nhân dân tệ nếu xét ở góc độ này thì một số lĩnh vực sản xuất của DN Việt Nam cũng có lợi. Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) Nguyễn Văn Hoàng khẳng định, việc Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ không tác động đến các DN may mặc xuất khẩu của Việt Nam, ở đây có thể có tác động tích cực nhờ nhập nguyên liệu rẻ. Trợ lý tổng giám đốc một DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất giày xuất khẩu cũng cho hay, DN này còn được hưởng lợi kép từ việc đồng Nhân dân tệ thả nổi và USD trong nước được nới biên độ. “Các đơn hàng nguyên liệu của công ty sắp tới nhập khẩu từ Thượng Hải (Trung Quốc) có thể có giá tốt. Nếu giá nguyên liệu ở đây mềm hơn, công ty sẽ giảm nhập từ thị trường Ấn Độ và Malaysia để nhập hàng từ Trung Quốc” - anh trợ lý nói.
Nông sản thêm vất vả
Rõ ràng, chính sách tiền tệ này của Trung Quốc không khuyến khích nhập khẩu hàng hóa mà tăng ưu thế cho xuất khẩu. Theo Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam vốn đã khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc nay lại khó khăn thêm. Ở Đồng Nai, những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc là cao su, nhân điều, mì lát và một số trái cây.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận định hàng nông sản của Việt Nam không chỉ khó khi xuất khẩu vào Trung Quốc mà còn bị sản phẩm của quốc gia này cạnh tranh ở nhiều thị trường khác do có giá rẻ hơn. Hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn cũng gây nên áp lực, có thể khiến nhập siêu gia tăng những tháng tới.
Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng của năm 2015 xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 9 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ nước này lên đến gần 29 tỷ USD, như vậy nhập siêu từ Trung Quốc gần 20 tỷ USD. Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc, do đó việc nước này phá giá đồng Nhân dân tệ xét về lâu dài sẽ khiến nhập siêu càng lớn vì hàng hóa của Trung Quốc càng rẻ, cán cân thương mại càng bị mất thăng bằng lớn.
Theo Báo Đồng Nai
.