Thói quen tích trữ vàng lâu đời đã giúp người Việt tích lũy một lượng vàng đến hàng trăm tấn. Đã từng có những ước tính 400 hay hơn 1.000 tấn vàng trong dân nhưng chưa được kiểm chứng. Mặc dù vậy, với hàng trăm tấn vàng đang nắm giữ, qua đợt giảm giá lần này, dân Việt Nam đã thiệt hại hàng chục ngàn tới hàng trăm ngàn tỷ.

 


Giá vàng phụ thuộc nhiều yếu tố như sự ổn định, tăng trưởng hay suy thoái kinh tế, đặc biệt là kinh tế thế giới; tỉ giá hối đoái; giá của nhiều loại hàng hóa khác. Bên cạnh đó, yếu tố đầu cơ của các tổ chức đầu tư và kinh doanh vàng lớn trên thế giới cũng rất quan trọng. Với tiềm lực tài chính mạnh, các tổ chức này có thể tạo ra lực cung - cầu đủ mạnh để tạo ra mức giá vàng mới cho thế giới. Vì vậy, việc kinh doanh vàng với quy mô lớn trở nên rất rủi ro đối với hầu hết nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam hiện nay.

Dù giá vàng trong nước có giảm mạnh nhưng so với giá thế giới vẫn chênh nhau hơn 6 triệu đồng/lượng. Trong ngắn hạn, giá vàng đang giảm nhưng nếu nhiều người vẫn đổ xô mua sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ. Một là giá dừng lại, không giảm theo giá thế giới do nhu cầu mua vàng trong nước tăng lên, hai là nếu có giảm thì mức giảm không lớn. Cả hai trường hợp này người dân đầu tư vàng đều thiệt.

Về dài hạn càng không nên đầu tư vàng bởi giá vàng thế giới không phụ thuộc vào một nền kinh tế nào. Theo các chuyên gia, giá kim loại quý này có thể còn tiếp tục giảm, vì vậy không nên bị lôi kéo vào hoạt động mua vàng với số lượng lớn. Luôn đảm bảo rằng tài sản được đa dạng hóa và chỉ giữ vàng ở mức tối thiểu, không nên giữ tỷ lệ quá cao trong nguồn tài sản đầu tư.

Theo đó, tỷ lệ thích hợp trong danh mục tài sản của nhà đầu tư có thể từ 2-5%, tỷ lệ 5% được coi là "dũng cảm”. Cần có chiến lược thoát ra nhanh nếu vàng chiếm tỷ lệ trên 5% trong danh mục tài sản đầu tư, phải chủ động thời điểm bán vàng với giá cạnh tranh tốt nhất. Cần biết rõ khả năng dễ bị tổn thương của vàng, nhiều nhà đầu tư đã bị tổn thương với vàng do không nhận thức được điều đó.
 

Theo Vietnamnet