Những gia đình nghèo khi cần tiền giải quyết những việc cấp bách như chữa bệnh cho người nhà, đóng học phí cho con mà không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, họ nghĩ ngay đến vay nóng của các chủ tiền ngoài xã hội vừa nhanh, vừa đỡ phiền hà về thủ tục.
Tiền đứng: Vay 30 triệu, trả hơn 300 triệu vẫn chưa hết nợ…
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Th. (ở đường LBB, Q.Tân Bình). Cách nay 3 năm, do thiếu vốn làm ăn, chị vay một chủ tiền 30 triệu đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 300 ngàn đồng tiền lời. Lúc đang làm ăn được, 300 ngàn đồng không lớn lắm, thế nhưng công việc làm ăn ngày càng sa sút, thua lỗ, cộng thêm những biến cố liên tục xảy ra trong gia đình, chị Th. mất dần khả năng trả lãi. Chị vay mượn khắp nơi để có tiền đóng lãi hàng ngày. Ban đầu, chị mượn bạn bè, người thân, dần dần không mượn được ai. Ngày nào chưa xoay được 300 ngàn đóng lãi, chị không nuốt nổi miếng cơm.
Chị không còn tâm trí để làm ăn, buôn bán. Cứ gần đến giờ hẹn với chủ nợ, chị đứng ngồi không yên. Không phải ngày nào chị cũng có tiền trả lãi, có khi hai, ba ngày chưa trả, chị phải nuốt nước mắt nghe những lời nhục mạ của đám đòi nợ, có đứa tuổi chưa bằng con mình: “ĐM sao bà lì lợm quá vậy? Bà có tin là tôi tới nhà bà liền bây giờ không?”. Đó là điều chị Th. sợ nhất, bởi chị còn mẹ già. Chị cũng sĩ diện với hàng xóm nữa, nên bằng mọi giá, có khi phải chạy từ Sài Gòn lên tận Củ Chi, Hóc Môn, có khi chạy lên tận Thủ Đức để mượn tiền. Nghe ở đâu có ai cho vay là chị chạy tới hỏi. Xe máy hai chiếc lần lượt cầm hết, dây chuyền, bông tai, nhẫn cưới tất cả cũng không còn. Nhà có sổ hộ khẩu và CMND là quý giá nhất chị cũng đem đi cầm để đóng 5 ngày lãi. Chủ nợ không tha cho chị dù chỉ một ngày. Gần 3 năm qua, tổng số tiền chị trả cho chủ nợ gần 300 triệu đồng nhưng tiền vốn 30 triệu vẫn còn nguyên, trong khi số nợ chị mượn khắp nơi để đóng lãi cũng đến gần trăm triệu nữa. Chị xót xa than: “Nhiều khi quẩn trí quá tui muốn tự tử chết quách cho xong, nhưng mình chết ai trả nợ thay mình?!...”.
Tiền góp: lãi mẹ đẻ lãi con
Khác với kiểu vay nóng trả lãi đứng, kiểu vay tiền góp có vẻ “đánh nhanh rút gọn” vì có thời hạn. Ví dụ vay 10 triệu đồng góp thành 12 triệu hoặc 14 triệu, cá biệt có chỗ góp thành 15, 16 triệu và trả góp trong vòng 24 ngày hoặc 30 ngày tùy theo thỏa thuận ban đầu. Như vậy, với số vốn vay 10 triệu, mỗi ngày con nợ phải trả góp 500 ngàn đồng và góp trong vòng 24 ngày. Đối với những người vốn đã khó khăn, việc kiếm ra 500 ngàn đồng để góp hàng ngày cũng là quá nặng, có những người phải trả lãi cho số tiền lãi nộp chậm, nghĩa là lãi chồng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con. Bà NTB (ở Q.Tân Phú) là nạn nhân của việc nợ tiền góp, đến nỗi nhiều khi quẫn trí bà muốn tự tử chết để thoát khỏi sự khủng bố của những người cho vay nặng lãi. Từ số tiền vay ban đầu 10 triệu đồng với tiền góp mỗi ngày 500 ngàn đồng, đến nay bà mang món nợ 60 triệu đồng với số tiền góp hàng ngày là 3 triệu đồng. Bà cho biết có những ngày bà không có tiền góp, chỉ cần 2 ngày không góp thì 1 triệu đồng đó lập tức được nhập vào vốn. Đã nhập lãi vào vốn rồi nhưng bà vẫn không yên thân vì những người đi thu tiền góp xăm mình vằn vện không ngừng khủng bố tinh thần và nhục mạ bà bằng những lời khó nghe…
Những nhóm cho vay kiểu “tín dụng đen” như trên hầu như ở địa phương nào cũng có, nhiều nhất là ở các chợ. Những năm gần đây, trên “thị trường tín dụng đen” xuất hiện nhiều nhóm cho vay nặng lãi thường được gọi nôm na là “Tụi HP”, chuyên cho vay trả góp với nhiều kiểu thu lãi. Nghe nói đến đám HP ai cũng ngán nhưng bí quá, nhất là không xoay được tiền đóng lãi cho những chủ nợ khác, chị em tiểu thương nghèo đành nhắm mắt đưa chân. Gọi là “Tụi HP” bởi họ đều là những người từ HP dạt vào đây và làm nghề cho vay là chính. Bu quanh đám chủ tiền là đám trai trẻ, tóc cắt kiểu đầu đinh, mặt mày dữ dằn, mình xăm vằn vện, chuyên đi thu tiền góp với những trò khủng bố tinh thần làm con nợ luôn cảm thấy bất an. Có lần, do không góp tiền đúng ngày cho họ, một chị bán cà phê trước khu dưỡng lão Thị Nghè bị đám đòi nợ nhục mạ nặng nề, anh xe ôm đứng gần đó nhẹ nhàng can ngăn thì xảy ra xung đột với đám này, bọn họ đã dùng một sợi xích sắt quất vào mặt anh xe ôm rồi bỏ chạy, làm anh bị thương nặng phải nhập viện…
Chúng tôi đã gặp nhiều nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi và hiểu được nỗi khổ mà họ phải chịu đựng. Ai cũng nghĩ giá như có tổ chức xã hội, hoặc đoàn thể đứng ra huy động những nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ người nghèo vay với lãi suất thấp thì người nghèo sẽ có cơ hội làm ăn thoát nghèo mà không phải là nạn nhân của những người cho vay nặng lãi nữa. Hiện nay, ở nhiều thôn xã nghèo, Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện giúp người dân nghèo có vốn làm ăn thoát nghèo thông qua việc cho vay vốn với lãi suất thấp ở các Ngân hàng chính sách xã hội nhưng ngay cả nguồn tiền đầy tính nhân đạo này cũng đã bị cán bộ ở một số địa phương cắt xén, ăn chặn, như trường hợp mới xảy ra tại thôn 4 xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Theo Người tiêu dùng