Theo đó, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% được đưa ra để phục hồi kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19 là chủ trương kịp thời và đáng mừng. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp và kế toán lúng túng chưa áp dụng, hoặc áp dụng nhưng vẫn loay hoay vì có 2 lý do chính.

leftcenterrightdel
Mức thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) 8% được áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022 

Thứ nhất, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/1/2022, đây là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, kế toán và doanh nghiệp đã bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và chính thức quay lại làm việc từ ngày 7/2/2022 nên chưa có đủ thời gian để nghiên cứu và áp dụng, cũng như chỉnh sửa lại phần mềm kế toán đang sử dụng để có phần thuế suất thuế GTGT 8%.

Thứ hai, việc căn cứ vào mã hàng hóa, dịch vụ để xác định đối tượng được áp dụng thuế GTGT 8% là rất rộng. Nếu một doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm, kinh doanh siêu thị… có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu mã hàng hóa, thì khâu tra cứu đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ của mình đang kinh doanh để biết nó có mã là gì, theo quy định ở Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 sau đó đối chiếu với Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP mất rất nhiều thời gian và công sức của kế toán và doanh nghiệp.

Trong quá trình áp dụng vào thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kế toán nhầm lẫn giữa mã kinh tế và mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Điều đó làm họ hoang mang khi tra cứu, không biết doanh nghiệp mình có được giảm thuế hay không, thậm chí khi đã có hướng dẫn các bước tra cứu, đối chiếu rồi, nhưng hầu hết các doanh nghiệp, kế toán vẫn không biết tra cứu như thế nào.

Kế toán cần làm gì để sớm áp dụng được chính sách nhân văn này?

Để giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kế toán sớm đưa chính sách nhân văn này vào cuộc sống, thì doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần bình tĩnh, đọc kỹ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định thế nào, rồi làm theo các bước sau để xác định xem doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mình có những mặt hàng nào được áp dụng thuế GTGT 8%, còn những mặt hàng nào áp dụng thuế GTGT 10%.

Bước 1: Lập danh sách các mặt hàng, dịch vụ mà mình đang kinh doanh, sản xuất gồm những sản phẩm nào.

Bước 2: Tra cứu xem ứng với từng mã sản phẩm hàng hóa dịch vụ đã lập ở danh sách ở bước 1 có mã sản phẩm là gì, theo quy định ở Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018.

Bước 3: Sau khi đã có các mã hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, sản xuất ở bước 2 thì doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đem mã từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ này so với mã hàng hóa dịch vụ được quy định ở Phụ lục số I, Phụ lục số II, Phụ lục số III ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Nếu mã hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mình đang kinh doanh, sản xuất trùng với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì hàng hóa, dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

WNgược lại, nếu mã hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mình đang kinh doanh, sản xuất không có trùng với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì hàng hóa, dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%.

Ngọc Anh