Bài phân tích mới được Reuters đăng tải cho thấy nợ xấu Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá thấp, không đầy đủ, dẫn tới lộ trình giải quyết chậm chạp, đặc biệt là việc thành lập và quy mô của Công ty quản lý tài sản (VAMC).

 
Thời còn ăn nên làm ra, các đơn hàng từ những người có tiền cứ tới tấp đổ tới công ty nội thất của anh Nguyễn Mạnh Hùng. Việc sản xuất giường, tủ và bàn ghế thủ công giúp anh lãi tới 25.000 USD một tháng, sau khi đã trừ hết chi phí và lương cho 35 nhân viên.
 
Hai năm sau, khi kinh tế Việt Nam tuột dốc, việc kinh doanh tại Hà Nội trở nên khó khăn. Anh Hùng lỗ 4.000 USD một tháng, kể cả khi đã cắt giảm chi phí và cho nghỉ việc 30 công nhân mà anh không còn khả năng trả lương. Anh than thở: "Tôi chỉ cần vài khách hàng để trụ lại thôi. Nhưng họ gần đây đều hủy đơn hàng rồi. Chẳng có ngân hàng nào cho tôi vay cả! Thế là hết".
 
Tình trạng của Hùng đang là điển hình tại Việt Nam, nơi mà hệ thống ngân hàng đang phải chật vật giải quyết nợ xấu và khó có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, các giải pháp được đề ra dường như vẫn chưa đủ mạnh.
 
Thời thịnh vượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã không còn. Ảnh: NYTimes
Thời thịnh vượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã không còn. Ảnh: NYTimes
 
Trả lời Reuters, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) sẽ được thành lập với vốn ban đầu 24 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại lại cho rằng con số này không đáng kể so với số nợ xấu tồn tại trong mọi ngóc ngách ở Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 6%, tương đương 7,8 tỷ USD.
 
Matt Hildebrandt, chuyên gia tại JP Morgan Chase Singapore cho biết: "Với tình hình này, 24 triệu USD dường như là con số quá nhỏ để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng việc thành lập VAMC sẽ rất chậm và quy mô cấp vốn cũng không đủ để giải quyết hiệu quả vấn đề. Nếu thực hiện một cách từ từ, nền kinh tế sẽ còn trì trệ vài năm nữa".
 
Mô hình VAMC cũng tương tự nỗ lực gây dựng lại ngân hàng của Thái Lan sau cuộc khủng hoảng 1997 - 1998. Công ty này ban đầu chỉ mua nợ xấu do thế chấp bất động sản. Nợ được mua với giá trị sổ sách. "Các trái phiếu đặc biệt" sẽ được phát hành với giá trị tương đương để dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản tái cấp vốn từ ngân hàng trung ương.
 
Dù vậy, kể cả khi VAMC không cần tiền mặt để giải quyết nợ xấu, giới phân tích cũng băn khoăn với số vốn nhỏ như vậy, ngân hàng nhà nước sẽ đặt trần hỗ trợ là bao nhiêu với trái phiếu đặc biệt để mua nợ.
 
Trong một email trả lời Reuters, ông Bình cho biết: "Công ty này có thể giải quyết vấn đề cho 50% tổ chức tín dụng. Sau đó, tùy vào tình hình, VAMC sẽ mở rộng quy mô nợ và tài sản thế chấp để đạt mục tiêu đưa nợ xấu của các tổ chức tín dụng về mức an toàn". Ông cũng gọi đây là "bước khởi động quan trọng" mang lại kết quả khả quan trong năm nay.
 
Tuy nhiên, giới phân tích và quan chức ngân hàng thương mại đều cho biết việc này quá lạc quan. Phó thống đốc không tiết lộ ai sẽ chi trả cho VAMC, công ty này sẽ làm gì với số nợ xấu mua lại hay chỉ đơn giản là chuyển nợ từ nơi này sang nơi khác.
 
Tăng trưởng tín dụng chậm chạp cũng giáng một đòn nặng vào kinh tế Việt Nam. Các ngân hàng ngập trong nợ xấu phải thắt chặt cho vay, tạo ra bẫy thanh khoản trong thị trường tiêu dùng. Lĩnh vực bất động sản đóng băng. Còn quốc gia từng được coi là ngôi sao đang lên của châu Á đã tăng trưởng với tốc độ thấp nhất 13 năm trong năm ngoái.
 
Hậu quả là hơn 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa năm 2011 - 2012 và thêm 13.000 công ty nữa ngừng hoạt động quý I đầu năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Họ đã phải vật lộn vay vốn khi tiêu dùng chậm lại. Doanh số bán lẻ quý I tại Việt Nam chỉ tăng 11,8%, chậm nhất trong 8 năm.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hồi tháng 3 cho biết lãi suất cho vay sẽ được giảm xuống dưới 13% để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Tuy nhiên, nhiều công ty lại phàn nàn quá trình này diễn ra rất chậm chạp và lãi suất vẫn vào khoảng 17% - 18%.
 
Giữa những khó khăn, Việt Nam dù sao cũng bắt đầu có một số hy vọng. Năm 2012, nền kinh tế lần đầu có thặng dư thương mại sau hai thập kỷ và các nhà kinh tế kỳ vọng năm nay cũng tương tự. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán năm 2013, tăng trưởng Việt Nam là 5,2% và lạm phát chậm lại còn 6,6%, từ hơn 20% tháng 12/2011.
 
Tiền đồng sau nhiều lần giảm giá cũng bắt đầu ổn định so với USD. VN-Index tại Sàn chứng khoán TP HCM cũng là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất châu Á với 15% năm nay.
 
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán bùng nổ cũng chẳng khiến nhà đầu tư lạc quan hơn. Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư 43 tuổi, đã bán toàn bộ cổ phiếu hồi tháng 2. Anh cho biết: "Giao dịch trên thị trường này cũng như ngồi ghế điện vậy. Các vấn đề kinh tế đều đã lộ ra, nhưng chẳng có viễn cảnh rõ ràng nào cho tương lai".
 
Dù Chính phủ đã thông báo về "lộ trình", "ban chỉ đạo" hay nhiều biện pháp cải tổ, các nhà kinh tế vẫn cho biết Việt Nam đang quá chậm chạp trong việc dọn dẹp nợ xấu ngân hàng. Đây lại là bước đi quan trọng nếu muốn vực lại đầu tư nước ngoài.
 
Ông Alfred Chan, giám đốc mảng định chế tài chính tại hãng đánh giá Fitch Ratings - Singapore cho biết quy mô của nợ xấu Việt Nam đang bị đánh giá thấp, tính minh bạch yếu và kế hoạch cải tổ chậm chạp, sơ sài. Các vấn đề cốt yếu khác, như quản lý doanh nghiệp nhà nước, cũng cần phải được giải quyết.
 
Ông cho biết: "Có rất nhiều bước cần phải làm. Đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình cải tổ mà thôi". 100 công ty nhà nước lớn nhất Việt Nam có khoản vay lên tới 64 tỷ USD. Rất nhiều trong số đó đã rót tiền vào các lĩnh vực ngoài ngành và đầu tư vào bất động sản vốn đang đóng băng.
 
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết trên Reuters: "Nếu Việt Nam không thể tái cấu trúc và bình ổn chính sách, sự hào hứng của các nhà đầu tư sẽ biến mất trong 3 - 5 năm tới".
 
Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định các nhà băng nước ngoài cũng có vai trò trong việc giúp dọn dẹp nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, ông cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ độ thu hút ngân hàng ngoại của các nhà băng yếu nhất Việt Nam".
 
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam hiện bị giới hạn ở 30% và 20% với một đối tác chiến lược nước ngoài. Hồi tháng 2, Ngân hàng Nhà nước từng đề nghị nâng giới hạn lên trên 30%, nhưng chỉ trong "trường hợp đặc biệt" với các ngân hàng được đánh giá là yếu.
 
Các ngân hàng thương mại cũng cho biết lĩnh vực này nên được tự do hóa để củng cố quản lý rủi ro và bơm vốn. Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng cũng cho biết: "Ngân hàng ngoại thường bị coi là những gã khổng lồ không được chào đón. Có lẽ các nhà băng không muốn người nước ngoài vào, xem xét sổ sách và lật tung mọi thứ lên".
 
Theo Thùy Linh
VnExpress
.