Theo nghiên cứu của các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tụt lùi so với các nước trong khu vực, và quá nhỏ so với nhu cầu vốn để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
 
 
Cần 25 tỷ USD để mua cổ phần DNNN
 
Ông Nguyễn Kiên, đại diện Nhóm Công tác Thị trường vốn (thuộc Diễn đàn DN Việt Nam - VBF) cho biết, nhóm nghiên cứu nhận thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi tụt lùi, đặc biệt khi so với các nước ASEAN.
 
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 46 tỷ USD (tương đương 25% GDP), trong khi các nước khác trong ASEAN có tỷ lệ vốn hóa gấp nhiều lần Việt Nam (Philippines vốn hóa khoảng 184 tỷ USD (gấp 4 lần Việt Nam, tương đương 65% GDP nước này); Thái Lan vốn hóa khoảng 418 tỷ USD (gấp 9 lần Việt Nam, tương đương 112% GDP); Singapore vốn hóa khoảng 415 tỷ USD (gấp 9 lần Việt Nam, tương đương 135% GDP)…) “Thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa DNNN”, ông Kiên nói.
 
Theo ông Kiên, tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần, thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để hấp thụ hết số cổ phần này. “Như vậy, nguồn tiền trong nước chắc chắn không đủ, Việt Nam cần dòng tiền mới của nước ngoài để mua hết số cổ phần nói trên”, ông Kiên nói. 
 
Tuy nhiên, theo chuyên gia VBF, thực tế dòng tiền ngoại chảy vào chứng khoán Việt không đạt như kỳ vọng. Cụ thể, từ ngày 1/1-19/5/2015, vốn ngoại chảy vào Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ 5 triệu USD, vào sàn thành phố HCM chỉ 113,3 triệu USD (trong khi thị trường cần hơn 3,75 tỷ USD).
 
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng để cổ phần hóa 289 DN nhà nước trong năm 2015. Nhưng thực tế quá trình cổ phần hóa chưa đạt đến hiệu quả tiềm năng cao nhất, khi tỷ lệ cổ phiếu bán ra vẫn rất thấp. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại thường chỉ quan tâm mua cổ phần DN nhà nước nếu họ được quyền ra quyết định trong DN (thực tế nhà nước có xu hướng giữ quyền bổ nhiệm tất cả hoặc phần lớn thành viên hội đồng quản trị). Ngoài ra, cổ phần hóa thường có nghĩa cổ phiếu được bán cho chính người lao động của các DN đó. “Với những lý do này, cho đến nay, sự quan tâm từ khu vực tư nhân nước ngoài đầu tư vào DNNN cổ phần vẫn rất thấp”, Chủ tịch EuroCham nói.
 
Sẽ nới “room” cho nhà đầu tư ngoại
 
Theo Nhóm Công tác Thị trường vốn của VBF, dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Đồng thời, cố gắng hỗ trợ nhà đầu tư, nhưng những nhân tố làm thị trường chứng khoán đi xuống dường như đã không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Do đó, đòi hỏi những quyết sách kịp thời và cương quyết từ Chính phủ.
 
Nhóm nghiên cứu đề xuất Chính phủ cổ phần hóa phải đi kèm với việc niêm yết các công ty đó lên thị trường chứng khoán. Đồng thời, để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25 - 30% cổ phần của DNNN thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp. “Trong 3 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đợi Chính phủ tăng quyền sở hữu của họ tại các công ty đại chúng, bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu 49% như hiện nay. Có vậy mới thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và DNNN cổ phần”, ông Nguyễn Kiên nói. Đồng thời, theo ông Kiên, Chính phủ có thể cho sở hữu không hạn chế với các công ty đại chúng (trừ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia). Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu VBF, Chính phủ cần sớm thông qua dự thảo Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện, để tạo thêm nguồn cầu đáng kể đối với thị trường tài chính.
 
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, những đề xuất của nhóm nghiên cứu thuộc VBF cơ bản phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thực tế thị trường. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Đặc biệt, có chính sách cổ phần hóa phải đi kèm với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo người đứng đầu ngành tài chính, có quy định cho phép bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh, nhưng DNNN ít sử dụng phương thức này. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kiến nghị các bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề này”, ông Dũng nói.
 
Về việc tăng sở hữu nước ngoài tại DN cổ phần (mở room), ông Dũng cho biết, dự thảo nghị định mới hướng dẫn Luật Chứng khoán đã trình Chính phủ ký ban hành. Trong đó, theo ông Dũng, có quy định nới lỏng “room”, cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều hơn cổ phần DN theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành tài chính, nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện đã được xây dựng và lấy ý kiến đóng góp, hiện đang chỉnh sửa để trình Chính phủ ban hành.
 
Theo Tiền phong
.