Đầu năm mới 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Nghị định này cho phép một nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có thể mua 20% cổ phần tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam mà không cần sự thông qua của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cổ phiếu (CP) của các NHTM đã tăng sự hấp dẫn hơn đối với NĐT ngoại.

 


Ngay sau có thông tin về nới “rom” cho NĐT ngoại sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phản ứng tích cực, trở nên sôi động hơn với sự tăng giá CP của các NHTM. Những ngày gần đây, thanh khoản của các mã CP của nhiều NHTM trên TTCK đều đạt khối lượng khớp lệnh giao dịch cao.

Khởi đầu ở phiên giao dịch ngày 7-1-2014, CP mã VCB của NHTMCP Ngoại thương tăng 700 đồng, CP mã SHB của NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội và mã EIB của NHTMCP Xuất nhập khẩu tăng 200 đồng, CP mã MBB của NHTMCP Quân đội tăng 300 đồng, CP mã STB của NHTMCP Sài Gòn Thương tín tăng nhẹ 100 đồng... Trong đó, mã VCB có sức hấp dẫn vượt trội được NĐT ngoại mua vào tới 534.500 CP, mã SHB được mua vào hơn 300 ngàn CP... Trước đà tăng giá CP khối ngân hàng, Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết CP của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mang mã BID, chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE, góp thêm lực đẩy cho TTCK Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ phường 3-TP.Vũng Tàu), một NĐT của Câu lạc bộ chứng khoán Vũng Tàu cho biết đang sở hữu nhiều CP của các NHTM. Từ đầu năm đến nay, việc mua-bán CP của bà Liên trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đều mang lại hiệu quả tài chính.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế – thị trường, năm 2014 nền kinh tế và TTCK Việt Nam đều có tiềm năng khởi sắc rất lớn và hấp dẫn. Bởi, những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô từ năm 2012, năm 2013 vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Trong năm 2014, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường, trong đó có việc tái cấu trúc TTCK. Hiện có tới khoảng 1/3 trong hơn 700 doanh nghiệp niêm yết CP trên sàn giao dịch chứng khoán có hệ số giá/thu nhập (P/E) trong khoảng 6-7 lần; nhiều cổ phiếu có mức cổ tức 9%-20%. Một chu kỳ kinh doanh mới đã bắt đầu và dự kiến sẽ kéo dài trong 7 năm tới.

Báo cáo khảo sát động thái DN của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cũng cho thấy có những dấu hiệu tốt. Trong năm 2014, khoảng 50,7% DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh, 42,5% DN sẽ mở rộng quy mô kinh doanh. Quyết định mở rộng quy mô kinh doanh của các DN dựa trên kỳ vọng tốt hơn về doanh thu, giá bán, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, năng suất lao động và lượng đơn đặt hàng.

Với dự báo về “sức khỏe” DN dần được cải thiện, nợ xấu ngân hàng tiếp tục được xử lý rốt ráo, nhiều giải pháp, chính sách vĩ mô đang được triển khai, TTCK có thêm lực đẩy từ CP của các NHTM… sẽ tạo nên sự cộng hưởng tích cực. Kỳ vọng năm 2014, TTCK Việt Nam trở nên sôi động hơn, nguồn vốn luân chuyển trên TTCK sẽ phục vụ cho sản xuất kinh doanh của DN, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.


Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu