Sau hơn 2 năm thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, có mức tăng trưởng huy động vốn khá cao, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, nguy cơ đổ vỡ do mất thanh khoản bị loại trừ hoàn toàn…
 
 
Xu hướng tất yếu
 
Thừa nhận việc ngân hàng quốc doanh sáp nhập các ngân hàng nhỏ sẽ không làm sức khỏe của các ngân hàng này bị suy yếu, vì những ngân hàng quốc doanh có tiềm lực lớn nhưng ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) lại cho rằng, việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
 
Theo ông Thành, việc toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống vì thị trường ngân hàng đòi hỏi phải hình thành những định chế tài chính lớn.
 
“Vì vậy, nếu hệ thống ngân hàng tập trung quá nhiều vào các ngân hàng lớn của Nhà nước thì sẽ gây rủi ro trong tương lai vì những ngân hàng này có thể ảnh hưởng lớn về chính sách, gây ra sự thao túng thị trường,” ông Thành nhấn mạnh.
 
Theo ý kiến của bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc sáp nhập chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu và cải cách hệ thống tài chính ở mỗi quốc gia. Nếu rơi vào tình huống ngân hàng yếu mà lại sát nhập, “trộn” vào ngân hàng lớn hơn thì không thể giải quyết được vấn đề. Nói cách khác, sáp nhập không phải là phương án tối ưu để “cứu” các ngân hàng thoát khỏi đổ vỡ.
 
“Một nhà băng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi,” bà Victoria Kwa Kwa e ngại.
 
Trái ngược với những nhận định trên, một số chuyên gia lại cho rằng, sáp nhập, hợp nhất lúc này là hợp lý bởi đây là cách tốt giúp các ngân hàng nhỏ giải quyết những vấn đề nội tại như non vốn, chất lượng tài sản kém...
 
Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Vũ Viết Ngoạn, đã đến lúc cần để “anh mạnh” dìu dắt “kẻ yếu,” thay vì để các ngân hàng yếu loay hoay tụ họp với nhau. Điều quan trọng khi sáp nhập là đảm bảo tính minh bạch, làm theo giá thị trường. Chẳng hạn ngân hàng nào yếu hơn, rủi ro nhiều thì giá cổ phiếu phải thấp hơn và ngược lại. Cổ đông của hai bên đều không có thiệt thòi gì nếu đúng giá đó là giá thị trường.
 
Còn tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, hệ thống ngân hàng cần có thêm nhân tố mới, chất xúc tác mới để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Việc ngân hàng nhỏ xin được về với ngân hàng lớn là điều dễ hiểu do tính cạnh tranh của ngành này ngày càng phức tạp và khốc liệt hơn.
 
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng sau khi sáp nhập và chuẩn bị sáp nhập đã rất chú trọng vào chất lượng con người, chính vì vậy nhân sự tại các ngân hàng cũng có nhiều thay đổi trong thời gian vừa qua. Đây thực sự là “bài toán” mà các ngân hàng cần phải tính đến trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay./.
 
Theo Vietnam+
Bài 2: Ngân hàng “mạnh tay” cắt giảm nhân sự để tái cơ cấu
.