|
|
Để TTCK phát triển, Phó Thủ tướng đề nghị các DN, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng (ảnh: Thành Chung) |
Còn theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, tính đến 31/1/2019, thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1,235 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017.
Quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 29%.
Doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng 15,2% và lợi nhuận sau thuế tăng 21,4%. Chỉ tiêu sinh lời năm 2018 của toàn thị trường đều được cải thiện so với năm 2017. Số công ty báo cáo lãi năm 2018 chiếm 94% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí lãi vay đều tăng, lần lượt là 13% và 16,1% do nợ phải trả và mặt bằng lãi suất tăng, đồng thời, hàng tồn kho cũng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.
Cùng với đó, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn…
Đồng tình với các nhận định trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ cam kết củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường với tầm nhìn tới năm 2045, trong đó có thị trường vốn-chứng khoán. Cùng với đó, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng và mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.
Để TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế…, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng như bổ sung phạm vi điều chỉnh cả công cụ chứng khoán phái sinh, trái phiếu Chính phủ, thí điểm TTCK chuyên biệt cho Start-up phát triển.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán phát triển thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%).
Cơ cấu lại nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường để tạo ra sự chuyên nghiệp. Cơ cấu lại thị trường với các giải pháp ngay trong năm nay như sớm thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo lộ trình mà Thủ tướng đã phê duyệt nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, bảo đảm thông suốt, ổn định cho các hoạt động của nhà đầu tư…
N. Anh