Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng không đáng kể, nhiều ngân hàng đã lao vào cuộc đua cho vay tiêu dùng thông qua nhiều hình thức, với lãi suất cho vay cực thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi suất huy động.
 


Tienphongbank thì đang triển khai cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi 0% cho những tháng đầu. Chương trình này cũng được NamAbank,Viet Capitalbank, HDBank... đẩy mạnh triển khai. “Cuộc đua” này còn có sự góp mặt của ngân hàng nước ngoài, điển hình là HSBC tham gia cho vay tiêu dùng với lãi suất 0% trong 3 tháng đầu.

Những mầm mống rủi ro

Xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng dự kiến sẽ tiếp diễn khi mà tình hình tín dụng của toàn hệ thống cho đến thời điểm này vẫn chưa mấy sáng sủa. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống mới tăng 6,45% so với cuối năm 2012.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngành ngân hàng đang chịu áp lực phải đẩy vốn ra nền kinh tế, nhưng đẩy vốn vào đâu? Hiện có tới 70-80% doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn. Vì vậy, nếu muốn đẩy tín dụng ra, thì chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể nên đành phải đẩy ra cho vay tiêu dùng.

"Chiến thuật" các ngân hàng đang áp dụng là cho nhân viên liên hệ với các cơ quan hành chính sự nghiệp, chào mời cán bộ công nhân viên vay tiêu dùng. Mỗi nhân viên bán hàng phải có trong tay danh sách hàng trăm khách hàng cá nhân và hàng ngày họ phải “gõ cửa” từng khách hàng.

Tuy nhiên, khách hàng cũng hết sức cảnh giác với vay tiêu dùng. Ông Nguyễn Sỹ Hùng, nhà ở Đại Kim, Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay gần đây ông liên tục nhận được điện thoại của các nhân viên ngân hàng chào cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Xuất phát từ việc ông đến một ngân hàng để hỏi vay tiền mua căn hộ chung cư. Không hiểu sao, thông tin bị chia sẻ, hàng loạt nhân viên nhiều ngân hàng đã liên lạc tư vấn và chào mời ông những gói vay có lãi suất hấp dẫn.

Theo ông Hùng, do có thông tin nên ông rất cảnh giác với các gói cho vay lãi suất thấp từ 0-10% vì ông biết, lãi suất này chỉ ưu đãi trong thời hạn vài tháng đầu, hết thời hạn sẽ nâng lên cao, khó lòng chi trả. Chẳng hạn, nhân viên một ngân hàng thương mại đưa ra gói cho vay 12 tháng lãi suất 0%/tháng nhưng chỉ dành cho tháng đầu, sau đó lãi lại tính theo thị trường. Các khoản phí cũng không công bố. Điều khốn khổ là khi vay gói này, khách hàng không được thanh lý hợp đồng trước thời hạn, nếu không sẽ bị phạt. Trả càng sớm thì số tiền phạt càng cao.

Cùng với đó là cho vay tín chấp. Không ít ngân hàng đang ráo riết chào mời khách hàng cá nhân vay tín chấp với lãi suất từ 1,4% đến 2,7%/ tháng. Anh Minh làm việc tại Bộ Công Thương kể rằng hôm rồi đang giờ làm thì nhân viên ngân hàng V. vào liên hệ cho vay tín chấp. Mức vay là 40 triệu đồng, trả trong 36 tháng, mỗi tháng cả gốc lẫn lãi là 2,2 triệu đồng. Tính ra vay 40 triệu trả 82 triệu.Với lãi suất kiểu này chỉ có nước vay rồi trốn luôn chứ trả sao nổi.

Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng ồ ạt cho cá nhân vay nhưng kinh tế chưa khởi sắc, không có việc làm thì người vay lấy đâu thu nhập để mà trả nợ, không khéo rồi đây sẽ tăng nợ xấu.

Việc rót quá nhiều vốn vào cho vay tiêu dùng cũng khiến hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ. Trong khi lãi suất giảm xuống mức thấp, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn cho các khoản vay tiêu dùng. Đó là chưa kể tới khả năng không thu hồi được vốn do người vay gặp khó khăn, vì vậy khả năng đối mặt với thua lỗ.

Các chuyên gia cảnh báo, ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng trưởng tín dụng nên tìm mọi cách đẩy vốn ra, trong đó có phát triển cho vay tiêu dùng. Đây có thể là mầm mống của rủi ro và nó có thể xảy ra sau vài năm tới, như bài học đã từng xảy ra năm 2009. Nếu không cẩn trọng sẽ lặp lại vòng xoáy nợ xấu, tăng trưởng nóng như thời gian qua.
 

Theo Vietnamnet