Rất hiếm khi cụm từ “kể cả cho phá sản” được Ngân hàng Nhà nước thông tin một cách mạnh bạo như vậy...
|
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: dự trữ ngoại hối quốc gia hiện không dưới 35 tỷ USD, giúp việc điều hành và can thiệp thị trường bất cứ lúc nào cũng được - một điểm mà ông nói là thể hiện quyền lực của nhà điều hành. |
“Tôi xin nói, chủ trương vừa là tự nguyện tham gia, mà cũng phải nói thẳng với nhau là phải tham gia. Phải làm bằng tinh thần cố gắng, quyết liệt nhất”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu về nội dung tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới, tại hội nghị triển khai kế hoạch 2015 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), diễn ra cuối tuần qua.
Dự hội nghị của một ngân hàng lớn, một ngân hàng thương mại nhà nước, một thành viên vừa tính đến kế hoạch sáp nhập một ngân hàng khác, Thống đốc Bình nói thẳng luôn quan điểm.
Ông cho biết, từ năm 2015, hệ thống ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của tái cơ cấu, trong đó, nửa đầu năm được xác định là cao điểm, mà các ngân hàng lớn phải vào cuộc.
Như Vietcombank, chủ sở hữu chi phối vẫn là nhà nước, nên yêu cầu vào cuộc thúc đẩy tiến độ tái cơ cấu được xem như là một nhiệm vụ.
Sẽ không để thiệt
Trước đây, việc tái cơ cấu “vừa đi vừa dò”, vì vĩ mô còn bất ổn và nhiều cân đối trong hệ thống còn mong manh, nếu làm mạnh tay có thể khiến vĩ mô nói chung càng bất ổn.
Nay, tình hình chung đã ổn định, sức khỏe hệ thống ổn định hơn, nguồn lực của chính Ngân hàng Nhà nước cũng được tự đánh giá là mạnh hơn để làm các biện pháp mạnh.
Mới đây, trên cổng thông tin của mình, nhà quản lý hệ thống ngân hàng phát tín hiệu rõ ràng: “Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu là kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc”.
Ngoài Chính phủ, rất hiếm khi cụm từ “kể cả cho phá sản” được Ngân hàng Nhà nước thông tin một cách mạnh bạo như vậy.
Cũng trong thông tin trên, họ dự kiến năm nay sẽ thực hiện 6 thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng.
Trở lại với việc tham gia của các “ông lớn” quốc doanh, bên cạnh hướng phải làm, Thống đốc cũng “động viên” rằng: thực hiện sáp nhập ngân hàng nhỏ, “chúng tôi đảm bảo không để các ngân hàng thiệt, tôi xin khẳng định tham gia đợt này ngân hàng không mất mát gì”.
Ngược lại, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tính toán, ngân hàng lớn thực hiện sáp nhập ngân hàng nhỏ thì được một hệ thống mạng lưới mấy chục, mấy trăm chi nhánh mà “không mất đồng nào”, mà thực hiện bằng kinh nghiệm, uy tín; lại được tiếng trên thị trường…
Với riêng Vietcombank, năm thứ hai Thống đốc Bình nhấn mạnh đến yêu cầu trở thành ngân hàng số một Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, ông cho rằng sáp nhập một ngân hàng khác cũng là một biện pháp hỗ trợ.
Điều hành không thể ăn may được
Về việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung, cũng có ý kiến cho rằng là có khi... ăn may.
Thống đốc Bình khẳng định, công tác dự báo khoa học và chính xác đã giúp việc điều hành đạt các kết quả dự kiến, chứ không thể nói là ăn may được.
Ông dẫn lại, trước đây nhiều dự báo đều trượt xa kết quả cuối cùng, nhất là về lạm phát và lãi suất. Từ năm 2011 đến nay, hầu hết các dự báo Ngân hàng Nhà nước đưa ra đều sát thực. Đây cũng là một cơ sở để chính sách từ thụ động chạy theo thị trường, chuyển dần sang chủ động dẫn dắt thị trường.
Khi dự báo tốt, làm được tốt thì thị trường có niềm tin. Niềm tin được ông Bình nhấn mạnh ở giá trị giúp giữ vững an toàn hệ thống. Dẫn chứng là, năm 2014, lại tiếp tục có các vụ việc bắt giữ một số lãnh đạo ngân hàng, nhưng tình hình chung không có xáo trộn. Nếu các vụ việc đó xảy ra trước đây, nhiều khả năng thanh khoản đã phải báo động.
Về năm 2015, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ bản việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn như năm 2014. Lãi suất cho vay tiếp tục hướng mục tiêu giảm tiếp 1%/năm, phấn đấu mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn về được dưới 10%/năm.
Về tỷ giá, định hướng cũng đã công bố từ đầu năm: nếu có điều chỉnh thì không quá 2%. Ngay tuần đầu tiên của năm mới, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh 1%. Và Thống đốc cũng giải thích về quyết định trên tại hội nghị Vietcombank.
Điều chỉnh từ đầu năm để tạo tâm lý thị trường yên tâm, hạn chế tâm lý găm giữ trong dân cư và doanh nghiệp. Nhưng vì sao cuối 2014 lại không điều chỉnh? Vì để doanh nghiệp chủ động trong hạch toán cuối năm.
Như VnEconomy phản ánh tuần qua, Thống đốc Bình xác nhận Ngân hàng Nhà nước đã nối lại hoạt động mua vào ngoại tệ khá tốt.
“Thủ tướng gọi điện hỏi tôi, tình hình tỷ giá thế nào? Tôi báo cáo là tốt, em thấy nó ổn định”, ông Bình nói bên lề.
Và một lần nữa, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: dự trữ ngoại hối quốc gia hiện không dưới 35 tỷ USD, giúp việc điều hành và can thiệp thị trường bất cứ lúc nào cũng được - một điểm mà ông nói là thể hiện quyền lực của nhà điều hành.
Đã trở lại mua vào ngoại tệ, nhưng ông Bình cũng dè chừng: năm nay việc xử lý tiền sẽ là công việc trọng tâm, vì năm 2014 đưa ra nhiều để mua lượng lớn ngoại tệ; phải tập trung xử lý để phòng lạm phát có thể trở lại năm sau, nhất là khi giá dầu không thể cứ mãi đi xuống mà có thể sẽ “trở mặt”.
Theo VnEconomy