(BVPL) - Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2016, trong đó nổi bật là vấn đề nợ xấu đang có xu hướng tăng so với cuối năm 2015.
 
 
Thách thức lớn
 
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng, thậm chí tăng mạnh ở một số ngân hàng trong nửa đầu năm nay là do các ngân hàng đang phải trả nợ cho quá khứ. Một nguyên nhân nữa khiến nợ xấu tăng cao một phần là do trong nửa đầu năm nay lượng nợ xấu chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) rất hạn chế. Nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng đang dần thực chất hơn, thay vì tiếp tục chuyển từ túi này sang túi khác.
 
Việc bán nợ cho VAMC cũng chỉ giúp làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Mặc dù nợ xấu được đưa ra ngoại bảng, thay thế bằng trái phiếu đặc biệt thì các ngân hàng vẫn phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro hàng năm. Ngân hàng nào bán nợ càng nhiều thì chi phí trích lập sẽ càng lớn và phần chi phí trích lập này tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng.
 
Trong báo cáo tại Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).
 
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của cơ quan này trong 6 tháng cuối năm, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
 
Các ngân hàng cũng nhìn nhận, việc xử lý, thu hồi nợ xấu vẫn là thách thức lớn trong thời gian tới. Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh với hàng loạt ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành Thông tư 08/2016 cho phép các ngân hàng được gia hạn kỳ hạn trái phiếu đặc biệt từ 5 năm lên 10 năm, nhằm giãn thời gian trích lập dự phòng, tránh trường hợp một tổ chức tín dụng có thể bị lỗ vì phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt quá lớn.
 
Để việc xử lý nợ xấu đi vào đúng thực chất, những tháng cuối năm, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng TMCP yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
 
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng cảnh báo kịp thời với những lĩnh vực tín dụng rủi ro như tín dụng bất động sản hoặc cơ cấu tín dụng vào tín dụng trung và dài hạn; mở rộng tín dụng nhưng vẫn hiệu quả và bảo đảm an toàn của hệ thống.
 
 
Nguyễn Thoa
.