Không “ồn ào” như những năm trước đây nhưng hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang đón nhận nhiều sự thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức nhân sự. Từ đầu năm 2014 đến nay, các ngân hàng đã liên tục “thay máu” nhân sự cao cấp nhằm tái cấu trúc hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác, việc thay đổi nhân sự ở tại nhiều nơi bởi vì nhiều ngân hàng đang có thực trạng “hoán ngôi đổi chủ” trong cơ cấu sở hữu vốn của các ông chủ nhà băng.

 


Đáng chú ý trong sự kiện thay đổi nhân sự 2014 của các ngân hàng, ngày 13/10 vừa qua, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) của Chủ tịch Võ Quốc Thắng (“bầu” Thắng) bổ nhiệm thành viên HĐQT Võ Văn Châu vào vị trí Quyền TGĐ. Điều này làm người trong giới tài chính thắc mắc là việc ông Châu đã 61 tuổi, liệu ở tuổi đó ông có đảm đương được trách nhiệm điều hành một ngân hàng còn non trẻ như KienLongBank không?

Những cuộc “thay tướng giữa dòng” tất yếu

Sau “vụ 4.000 tỷ đồng” của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã thay đổi tới 3 vị trí tại HĐQT. Theo đó, ông Michael Knight Ipson - nguyên Ủy viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2009-2014; ông Phùng Khắc Kế, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và bà Trần Thu Huyền, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Đào tạo VietinBank đã trúng cử vào HĐQT tại ĐHCĐ.

Giữa VietinBank và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có sự dịch chuyển cán bộ khi Phó Tổng Giám đốc Lê Thanh Tùng được điều động giữ chức vụ Chánh Văn phòng NHNN, thay thế vị trí cho ông Lê Đức Thọ, người vừa được Ngân hàng Nhà nước cử sang VietinBank làm đại diện 30% vốn Nhà nước và làm Tổng Giám đốc ngân hàng này.


Tuy nhiên, thông tin khiến nhiều người quan tâm thời gian gần đây là sự thay “tướng” tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Từ năm 2013 đến nay, Agribank liên tiếp dính vào nhiều vụ “lùm xùm” liên quan đến lãnh đạo bị bắt và thanh tra ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2014, ngân hàng này đã tiến hành một cuộc “thay máu” gần như toàn bộ Hội đồng thành viên (HĐTV). Đầu tháng 6/2014, ông Trịnh Ngọc Khánh - Phụ trách điều hành HĐTV, TGĐ Agribank được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV; ông Phạm Đức Ấn - Phó TGĐ BIDV được điều sang giữ chức Phó Chủ tịch HĐTV; ông Tiết Văn Thành - Phó TGĐ Agribank được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV và Quyền TGĐ Agribank. Trước đó, ông Thành từng là Trưởng Văn phòng đại diện khu vực miền Nam Agribank.

Ngoài các nhân sự trên, Agribank còn có thêm 4 thành viên HĐTV mới đến từ NHNN gồm ông Nguyễn Viết Mạnh, ông Phạm Hoàng Đức, ông Nguyễn Đăng Hồng và ông Nguyễn Ngọc. Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp cũng được bổ nhiệm thành viên HĐTV. Tính đến thời điểm đầu năm đến nay, Agribank còn có bổ nhiệm và điều động một số vị trí cao cấp khác như Phó TGĐ với ông Nguyễn Minh Phương và ông Nguyễn Hải Long. Đây được xem là một cuộc “đại phẫu” lớn trong bộ máy ngân hàng này.

Tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ngày 29/7/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với các ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT VNCB) và ông Phan Thành Mai (TGĐ VNCB) liên quan đến trách nhiệm của các ông này tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh ngoài việc là Chủ tịch VNCB còn là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Ngay sau đó, VNCB đã bổ nhiệm Bà Vũ Bạch Yến Thành viên HĐQT VNCB làm Chủ tịch HĐQT. Ông Đàm Minh Đức, trước đó là Phó TGĐ phụ trách khu vực Hà Nội của ngân hàng này được bổ nhiệm làm TGĐ VNCB.

Bên cạnh các “cuộc lọc máu” lớn kể trên, một số ngân hàng khác cũng âm thầm tiến hành thay đổi nhân sự cao cấp như: MaritimeBank, LienVietPostBank, VPBank, OCB, Vietcombank, SCB, VNCB, MB, Nam Á Bank… Tại các ngân hàng này, sau quá trình thay đổi nhân sự cao cấp thì dường như hoạt động các ngân hàng này cũng đi vào ổn định và tăng trưởng tốt hơn thời gian năm 2013.

Nhìn chung, sự thay đổi nhân sự cao cấp tại các ngân hàng thương mại trong năm 2014 đã phản ánh chân thật thực trạng và xu hướng tái cấu trúc các ngân hàng. Trong năm nay, quá trình mua bán sáp nhập của ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ nên cơ cấu cổ đông có sự thay đổi lớn dẫn đến sự thay đổi của HĐQT. Ngoài ra, để thay đổi chiến lược phát triển, nhiều ngân hàng đã thay “binh” đổi “tướng” và để khẳng định tính hiệu quả cho quá trình thay đổi này, phải chờ diễn biến trong một thời gian nhất định.
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.