Quyết định điều chỉnh kép được Ngân hàng Nhà nước công bố trong bối cảnh nhân dân tệ phá giá mạnh nhất trong hai thập kỷ qua.


Trong thông cáo phát đi sáng nay, Ngân hàng Nhà nước lý giải phải nới biên độ tỷ giá trong ngày 12/8 để ứng phó với việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh nhất trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, theo cơ quan này, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất đồng đôla vào tháng 9 tới.

Vì vậy quyết định điều chỉnh kép sáng nay được Ngân hàng Nhà nước lý giải "nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới" và nhận định "tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam".

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Tuần trước, sau gần 10 năm duy trì cơ chế tỷ giá neo đậu đồng nhân dân tệ với đôla Mỹ, Trung Quốc bất ngờ chuyển sang cơ chế thả nổi. Trong 3 ngày liên tiếp 11-13/8, nhân dân tệ giảm giá tổng cộng 4,6% so với đồng đôla Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu suy giảm, nhà đầu tư nước ngoài suy giảm niềm tin và rút vốn khỏi thị trường chứng khoán. Làm cho đồng nhân dân tệ rẻ đi so với đôla là cách Trung Quốc sử dụng để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới, một kiểu trợ giá trá hình mà các nước phương Tây thường xuyên phản đối.

Diễn biến này cũng tác động trực tiếp tới Việt Nam - nước láng giềng và đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu 19 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 4,5 tỷ USD so với cùng kỳ. Cả năm ngoái, con số nhập siêu là 29 tỷ USD. Không chỉ cạnh tranh trong quan hệ thương mại song phương, hàng hóa Trung Quốc còn gây sức ép đáng kể với Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trao đổi với VnExpress tuần trước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nhận định tỷ giá chỉ là một nguyên nhân không lớn trong vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, áp lực cạnh tranh với thương mại của Việt Nam nói chung gia tăng, thì cũng không vì đã cam kết giữ mức tăng 2% mà phải cứng nhắc không nới biên độ hay tăng tỷ giá thêm nữa.

"Cam kết ổn định tỷ giá của Việt Nam được xây dựng dựa trên bối cảnh lạm phát thấp, lãi suất thấp, xuất khẩu phục hồi và kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn. Nhưng chúng ta, và cả thế giới không tiên liệu được Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thế này", ông Phước nói.

Theo ông, cần theo dõi thêm phản ứng của thế giới và xem Trung Quốc để từ đó có đối sách phù hợp. "Một trong những đối sách phù hợp là đừng vì đã cam kết mà không nghĩ tới việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà không dám mở rộng biên độ thêm nữa", ông nói thêm.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Lần thứ nhất ngay đầu năm, tỷ giá từ 21.246 đồng hiện nay lên 21.458 đồng. Lần thứ hai vào ngày 7/5, tỷ giá cũng tăng 1%, lên 21.673 đồng. Như vậy, sau 2 lần nới biên độ và 3 lần tăng tỷ giá, tỷ giá trên thị trường đã được phép tăng thêm 5%. Đầu năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết ổn định tỷ giá trong mức tăng không quá 2%.

 

Theo VnExpress

.