Chi nhánh ngân hàng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) năm nào cũng phải cử cán bộ tới làm việc cùng hàng chục người nhà chùa ròng rã nhiều tháng để kiểm đếm tiền lẻ sau Tết.
Chị Hoa, nhân viên một ngân hàng quốc doanh cho biết luôn có cảm giác sợ tháng Giêng, khi phải đảm nhận công việc kiểm đếm lượng tiền lẻ từ các đền, chùa.
Tuần rồi, chị vừa đến đếm tiền tại một ngôi chùa lớn ở phía Bắc. Tiền toàn mệnh giá nhỏ 500 đến 2.000 đồng nhưng số lượng hàng chục bao tải nên vừa nhìn vào đã chóng mặt. "Từ sáng sớm đến khuya, tôi cùng 10 người của chùa ngồi bên đống tiền lẻ kiểm và đếm. Có lúc bị hoa mắt nên đếm cứ nhầm tới nhầm lui", chị Hoa tâm sự.
|
Thường vào đầu năm ra Tết, lượng tiền lẻ các ngân hàng thu đổi về từ đền chùa rất nhiều, gây ứ đọng và ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các nhà băng. Ảnh: Phương Sơn |
Còn chị Hương, nhân viên Vietinbank thì sụt 2 kg sau 10 ngày lăn lộn ở chùa để kiểm đếm số tiền lẻ trị giá hàng tỷ đồng. "Mở mắt ra lại đếm tiền, nhiều lúc mệt rã người không muốn ăn, rồi phát ốm", chị nói.
Hơn 30 năm làm việc ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), trong đó 12 năm làm giám đốc chi nhánh huyện Mỹ Đức, tới tận ngày về hưu bà Lê Thị Hoa vẫn không thể quên cảnh đếm tiền lẻ mỗi dịp lễ hội đầu năm. Đặc biệt 10 năm trở lại đây khi kinh tế phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa, người ta đi chùa cung tiến và công đức nhiều hơn.
Mỹ Đức là nơi có nhiều chùa lớn, thu hút đông đảo người đi lễ, trảy hội đầu năm. Cứ sau rằm tháng Giêng, nhà chùa bắt đầu mở kho kiểm đếm tiền trước khi đem gửi vào ngân hàng.
"Cả một nhà tiền lẻ chồng chất trong đó toàn tiền mệnh giá nhỏ 500-2.000 đồng. Năm nào cũng vậy, ngân hàng cử 2 cán bộ đến làm việc cùng 40-50 người nhà chùa, ngày làm từ 6-7 h sáng tới khuya, ròng rã từ sau rằm tháng Giêng đến giữa tháng Ba âm lịch mới kiểm đếm, đóng bó xong và vận chuyển về ngân hàng", bà Hoa nhớ lại.
Ngày nào ngân hàng cũng điều động xe chuyên dụng tới chở tiền đã kiểm đếm đem về kho quỹ. Tiền kiểm đếm xong đóng bó, bỏ vào bao rồi xếp đầy tận nóc xe. Mỗi xe chở được hơn 700 bao tiền. Cao điểm có ngày Agribank Mỹ Đức phải điều chuyển tới 5-6 lượt xe, cả vụ lễ chùa đầu năm cũng tới 60 lượt xe chuyên chở. Tiền mang về ngân hàng có lúc kho quỹ đầy ắp không còn chỗ chứa, phải để tạm cả ở phòng bảo vệ, rồi cầu cứu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội hỗ trợ nơi cất trữ.
"Mỗi xe luôn kèm theo thủ quỹ và công an đi cùng. Ngày làm việc của họ thường bắt đầu từ lúc 4-5h sáng", bà nói.
Những cán bộ biệt phái đến chùa kiểm đếm tiền cũng vất vả không kém. Lịch làm việc này nào cũng như nhau, tất cả như một guồng máy, từ nhà chùa cho tới những người chấp pháp và 2 cán bộ của ngân hàng. 6h sáng dậy, ăn cơm xong vào đếm tiền. Đến 12h nghỉ ăn trưa rồi 1h30 lại đếm đến 6h chiều. Ăn cơm tối xong, 7h họ đếm tiếp tới 12h đêm.
"Suốt như vậy hơn 2 tháng trời, đến ngày xong nhiệm vụ trở về ngân hàng thì ai nấy đều gày rộc đi, trông rất xót xa. Nhưng cả ngân hàng và các cán bộ đó đều vui vẻ, làm vì cái tâm", bà Hoa chia sẻ.
Điều bà Hoa thấy rầu lòng hơn cả đó là phải nhìn cảnh những tờ bạc còn rất mới bị rải khắp nơi, thậm chí quăng quật dưới đất, đến khi được nhà chùa thu gom lại đã cũ nát đi nhiều.
"Họ cài tiền lên tượng, ngồi trên cáp treo ném xuống. Đó là một nét văn hoá cần chấn chỉnh. Tất cả đều phải xuất phát từ lòng thành, từ tâm, chứ không phải có đồng tiền vứt ra như vậy mới chứng tỏ lòng thành của mình. Nói duy tâm thì làm như vậy là đang phản lại lòng thành của mình. Còn quan trọng hoá lên thì đó là hành vi huỷ hoại đồng tiền. Tôi thấy xót xa lắm", bà Hoa buồn bã nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho hay, thường vào đầu năm ra Tết, lượng tiền lẻ các ngân hàng thu đổi về từ đền chùa rất nhiều, gây ứ đọng và ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các nhà băng. Ông cũng cho biết, năm nay Sở Văn hóa cũng đã chỉ đạo các ban quản lý di tích, không bố trí bàn đổi tiền lẻ, coi đó là một chỉ tiêu thi đua để hạn chế tiêu cực khi đổi tiền.
Cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn về quản lý hoạt động đổi, mua bán tiền lẻ tại khu di tích, không in thêm tiền lẻ mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống... Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch cũng đã có công văn yêu cầu các Sở kiểm soát, ngăn cấm và quản lý chặt, không để tình trạng trao đổi, mua bán tiền lẻ diễn ra ngang nhiên tại các khu di tích như trước đây nhằm hạn chế tình trạng "tiền lẻ tấn công các đền chùa".
Trao đổi với báo chí, ông Trương Tín Hồi, Phó Ban quản lý Phủ Tây Hồ (Hà Nội) cho hay, ban quản lý đã nhiều lần khuyến cáo người dân về việc sử dụng tiền lẻ gây lãng phí nhưng khó thực hiện. “Rằm hay mùng một chúng tôi đều nhắc khách nên để tiền vào hòm công đức theo quy định nhưng họ vẫn cứ nhét vào bất cứ chỗ nào có thể nhét được. Thực ra, ở Phủ rất đông nên cũng khó để yêu cầu họ bỏ tiền đúng quy định được”, ông Hồi giải thích.
Theo VnExpress