(BVPL) - Tài sản đảm bảo hiện phần lớn đều là bất động sản. Chính vì vậy, lãnh đạo ngân hàng đau đầu trong việc tìm đầu ra cho bất động sản bị thế chấp. Bán ai mua? Giá thế nào để đủ thu hồi gốc, lãi?

 


Còn đối với các loại tài sản khác như khoản phải thu, quyền đòi nợ, quyền tài sản thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì cũng rất khó xử lý.

Công cuộc xử lý nợ luôn là một quá trình dài hơi và khó khăn, không phải vì có tài sản đảm bảo mà các ngân hàng có thể yên tâm, kê cao gối mà ngủ được. Chính vì vậy, sự đề phòng cao nhất vẫn là tăng cường công tác thẩm định từ đầu, quản trị rủi ro.

È cổ xử lý nợ xấu

Thông tin gần đây đều chỉ ra rằng, các ngân hàng đang thừa vốn, còn doanh nghiệp thì vẫn kêu là khó tiếp cận. Đây là tình trạng "cám cảnh" của ngành ngân hàng.

Theo nhiều chuyên viên quan hệ khách hàng, các doanh nghiệp là những người mang đến lợi nhuận cho ngân hàng. Trong quá khứ, các doanh nghiệp luôn ở "trên cơ" với ngân hàng. "Làm gì có chuyện ngày xưa doanh nghiệp phải cầu cạnh ngân hàng để vay vốn. Ngoại trừ các ngân hàng nhà nước có nguồn lực dồi dào, lãi suất thấp hơn thì mới có tình trạng đấy, còn lại các ngân hàng cổ phần thương mại, bản thân giữa các chi nhánh đã cạnh tranh khốc liệt rồi chứ chưa nói cả tá ngân hàng khác lúc nào cũng chờ chực để tiếp cận được khách hàng" - một chuyên viên nói.

Có lẽ, điều này đã gây ra hậu quả nợ xấu như hiện nay. Trước đó, khi khách hàng luôn "có giá" nên công tác thẩm định cũng dễ dàng, thoáng hơn nhằm mục đích giải ngân thật nhanh, rồi giờ đây chính ngân hàng lại phải lo xử lý nợ xấu.

Khi doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng cũng khắc khoải, bởi mối lo nợ xấu tăng lên, lợi nhuận giảm. "Nếu xử lý nợ mạnh tay thì doanh nghiệp chết hẳn, không thì cũng rất khó xử".

Và câu hỏi lớn nhất mà thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cần trả lời là việc đảo nợ tại các ngân hàng. Kinh tế khó khăn, liệu việc đảo nợ có gia tăng? Cũng xin nói thêm, đảo nợ ở đây phải hiểu là việc các ngân hàng giúp cho khách hàng giải ngân món vay mới để tất toán cho món vay cũ. Bản thân việc đảo nợ xấu hay tốt vẫn còn gây tranh cãi trong ngành ngân hàng, nhất là vào bối cảnh hiện nay. Người thì cho rằng, việc đảo nợ giúp cho doanh nghiệp "có thêm cơ hội, kéo dài thời gian vay vốn, hy vọng vượt qua được khó khăn hiện tại". Song, ý kiến khác phản bác bởi việc này cũng có thể là cách để nuôi dưỡng nợ xấu bởi khách hàng không còn khả năng trả nợ, còn ngân hàng cứ cho đảo nợ để cuối cùng, dư nợ vẫn tồn tại mà nhà băng cũng trắng tay.
 

Theo VEF.VN

.