Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp và chững lại so với những năm trước, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chú trọng nhiều hơn đến lĩnh vực bán lẻ, phát triển những dịch vụ và tiện ích cộng thêm nhằm bảo đảm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cũng như gia tăng lượng khách hàng.

 


Khuyến khích giao dịch bằng thẻ

Một trong những dịch vụ được các NHTM triển khai là phát triển các tiện ích cho thẻ thanh toán. Đó là hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thẻ triển khai dịch vụ nạp tiền và thanh toán hóa đơn cộng thêm một số ưu đãi tại ATM. Chủ thẻ thanh toán có thể thực hiện các giao dịch nạp tiền cho thuê bao trả trước và thanh toán cước cho thuê bao di động trả sau của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn hiện nay như Viettel, Mobifone, Vinaphone. Để cạnh tranh, Sacombank miễn phí phát hành và giảm 50% phí hằng năm đầu tiên cho khách hàng mở thẻ thanh toán; đồng thời hoàn tiền thanh toán từ 50% đến 100% đối với chủ thẻ cũ lẫn chủ thẻ mới... Tương tự, NHTM Phát triển thành phố (HDBank) cũng tặng đến 50% giá trị thẻ nạp hoặc giá trị thanh toán khi thanh toán trực tuyến cước phí điện thoại di động bằng thẻ HDBank. Cũng liên quan thẻ thanh toán, NHTM Nam Á sẽ miễn hoàn toàn phí chuyển tiền, phí đăng ký và phí giao dịch tất cả các dịch vụ ngân hàng điện tử, các loại phí giao dịch bằng thẻ ATM và nhiều loại phí khác liên quan đến tài khoản thanh toán khi khách hàng sử dụng "Gói tài khoản tối ưu", gồm tài khoản tiền gửi thanh toán, thẻ ATM; dịch vụ ngân hàng điện tử...

Cũng để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và không dùng tiền mặt trong giao dịch, NHTM Á Châu đã đưa ra nhiều giải thưởng khi khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán và chuyển khoản qua mạng. Còn các NHTM khác là Vietcombank, BIDV và DongA Bank đã hợp tác với nhà bán lẻ hàng hóa hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op để phát triển thẻ thanh toán đồng thương hiệu. Khi sở hữu thẻ đồng thương hiệu này, khách hàng sẽ được sử dụng các tiện ích hiện đại của ba NHTM trên như thanh toán hàng hóa, thanh toán phí dịch vụ, rút tiền mặt tại ATM, chuyển tiền qua thẻ...; đồng thời được hưởng các quyền lợi từ chương trình khách hàng thân thiết của Saigon Co.op như tích điểm, nhận chiết khấu thương mại, tham gia các chương trình khuyến mãi, mua hàng với giá ưu đãi, nhận quà sinh nhật... Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc hợp tác này có tác động rất lớn đến thói quen mua sắm và thanh toán của người dân, nhất là người dân ở thành phố và các đô thị lớn trong cả nước; giúp giảm khá nhiều việc sử dụng bằng tiền mặt nhờ tiết kiệm được nhiều thời gian và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong khâu giao dịch hàng hóa khi thanh toán bằng thẻ.

Cần xác định chiến lược rõ ràng

Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, khi lĩnh vực tín dụng cũng như các hoạt động kinh doanh truyền thống sa sút thì các NHTM buộc phải dịch chuyển hướng kinh doanh để tìm kiếm doanh thu và lợi nhuận. Xu hướng này diễn ra khá rõ nét ở thành phố trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng đạt mức khá thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Chi nhánh thành phố), tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố trong mười tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 902 nghìn tỷ đồng, tăng 5,25% so với cuối năm ngoái. Với con số đó, ngành ngân hàng thành phố chỉ dám phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 10%, trong khi mục tiêu đề ra từ đầu năm là 12%. Trong khi đó, mảng khách hàng cá nhân lại khởi sắc khi tín dụng cá nhân tăng đến 22% so với cuối năm 2012, tăng nhanh hơn các năm trước.

Trước xu hướng chú trọng mảng bán lẻ của các NHTM trên địa bàn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh thành phố) Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương hạn chế phát triển mảng kinh doanh này nhưng khuyến cáo các NHTM cần thận trọng, thẩm định kỹ càng hơn khi đẩy mạnh tín dụng cá nhân. Trong đó, chú ý mảng thẻ thanh toán, vì nợ xấu ở lĩnh vực thẻ thanh toán đang tăng khá nhanh. Còn theo tổng giám đốc một NHTM ở thành phố (từng phụ trách lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở một công ty kiểm toán quốc tế lớn), trong thời điểm khách hàng doanh nghiệp èo uột, các NHTM buộc phải tập trung vào khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, sự dịch chuyển sang lĩnh vực bán lẻ của các NHTM trong nước cũng chỉ là giải pháp tình thế và bị động. Bởi loe, phần lớn các NHTM trong nước có ít kinh nghiệm về bán lẻ; trong khi đó, một sản phẩm ngân hàng thường phải mất từ một đến một năm rưỡi để chứng minh sự hiệu quả. Vì vậy, dù còn không ít rủi ro do vấn đề quản lý thông tin cá nhân còn lỏng lẻo nhưng lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở nước ta, nhất là thành phố, có tiềm năng rất lớn nhờ dân số trẻ chiếm phần lớn, sức mua lớn... Muốn tận dụng được những lợi thế (mạng lưới rộng, am hiểu văn hóa địa phương...) so với các ngân hàng nước ngoài để phát triển lĩnh vực bán lẻ, các NHTM trong nước cần gấp rút xác định rõ chiến lược kinh doanh và chuyển đổi mình về quản trị, công nghệ ngân hàng...
 

Theo Nhân Dân

.