Xây dựng hệ thống thu NSNN công khai, minh bạch

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đối với thu ngân sách nhà nước (NSNN), đã xây dựng được hệ thống thu tương đối hiện đại, bao quát các nguồn thu, công khai, minh bạch và bảo đảm động viên hợp lý, có tính cạnh tranh trong khu vực, thế giới, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, đảm bảo nguồn lực tài chính NSNN để thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

leftcenterrightdel
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.                          Ảnh: TTXVN

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được đổi mới theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro thu nộp NSNN lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn, các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, có dấu hiệu chuyển giá... ; quyết liệt xử lý thu nợ thuế.

Với những giải pháp đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, mặc dù thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp và đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng quy mô thu NSNN cả giai đoạn 2016-2020 vẫn gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của  Đảng (20-21% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20-21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (không thấp hơn 23,5% GDP).   

Ngoài ra, cơ cấu thu hiện đại hơn, bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập của nền kinh tế. Tỉ trọng thu nội địa tăng dần, năm 2020 đạt trên 85%, tính chung cả giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 82% tổng thu NSNN, tăng đáng kể so với mức 68,7% giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách từ tài nguyên khoáng sản và từ thuế xuất, nhập khẩu giảm từ mức bình quân 30% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 17,8% giai đoạn 2016-2020, trong đó tỉ trọng thu dầu thô trong tổng thu NSNN năm 2020 chỉ còn 2,3%, giảm mạnh so với mức 15-18% những năm 2011-2012.

Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng 18 bậc từ vị trí 50 (năm 2018) lên vị trí 32 (mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là tăng từ 10 đến 15 bậc trong năm 2019-2020).

Về chi NSNN, Bộ trưởng cho biết, hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi NSNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; lần đầu xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, thực hiện phân bổ nguồn lực trong phạm vi khả năng của nền kinh tế, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trung hạn, cải thiện tính dự báo, tạo chủ động cho các đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách; đẩy mạnh khoán, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; thực hiện thu - chi trong phạm vi dự toán; chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên từ NSNN gắn với việc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm biên chế; xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đô thị trọng điểm về kinh tế, chính trị của đất nước...

“Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, quy mô chi bình quân 05 năm 2016-2020 khoảng 27,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP); cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực.”- Bộ trưởng cho biết.

Kết quả cơ cấu lại NSNN và nợ công đã củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia

Về cân đối NSNN, đến nay đã hoàn thiện thể chế, quy định các nguyên tắc tính bội chi ngân sách phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; chẳng hạn như bội chi ngân sách chỉ dành cho đầu tư phát triển hay quy định giới hạn dư nợ vay của ngân sách địa phương gắn với khả năng trả nợ của địa phương...Đồng thời, bám sát mục tiêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, đã quản lý, điều hành chặt chẽ, giảm bội chi NSNN, bình quân các năm 2016-2019 ở mức 3,5% GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn 2,95% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho hay, về quản lý nợ công, đã hoàn thiện thể chế quản lý nợ công theo nguyên tắc thị trường, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường công khai, minh bạch; phát triển hệ thống các công cụ nợ như chiến lược nợ công 10 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm và hàng năm, đồng bộ với kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn; phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế trong việc phân tích bền vững nợ; hướng đến quản lý nợ công chủ động, tiếp cận thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia...

“Kết quả tích cực từ quá trình cơ cấu lại NSNN giai đoạn 2016-2019 đã tạo dư địa quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, cho phép chúng ta chủ động, kịp thời thực hiện hệ thống các giải pháp miễn, giảm, giãn, gia hạn khoảng 128 nghìn tỉ đồng thu NSNN, đồng thời bảo đảm nguồn đáp ứng nhu cầu chi phòng chống đại dịch COVID-19, chi cứu trợ cứu nạn, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Cùng với đó, hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm; triển khai tích cực Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; lần đầu đưa vào hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh, đẩy mạnh cơ cấu lại, hiện đại hóa, phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các cam kết hội nhập...

Cũng theo Bộ trưởng, với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian qua.

Đặc biệt, kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 đã củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời tạo dư địa huy động thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế tránh được suy thoái, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.

Trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo bối cảnh thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ của ngành Tài chính trong giai đoạn tới là:

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối DNNN, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý; cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia...


Nhóm PV