Do thị trường chỉ có vài công ty tài chính đang thống lĩnh cho vay tiêu dùng cá nhân, nên lãi vay bị đẩy lên trời và người vay bị biến thành “tù nhân” với gánh nợ nặng vai.
 

FE Credit phủ rộng trên 58 tỉnh thành với hơn 2.000 điểm cho vay mua xe máy. Trong năm 2013, lượng khách ký hợp đồng tín dụng của FE Credit đạt mốc 300.000, tăng gấp 2 lần so với năm 2012. HDFinance có hơn 2.200 điểm giới thiệu dịch vụ trên 63 tỉnh thành. Nhưng áp đảo trên thị trường là Home Credit với mạng lưới 63 tỉnh thành cả nước, hơn 4.000 điểm giới thiệu và cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng cho 1,5 triệu khách hàng và thị phần vẫn đang được công ty này đẩy mạnh mở rộng.

Dù hoạt động trên thị trường "ngách" với các khoản vay nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng do áp dụng mức lãi suất trên trời, lợi nhuận thu về của một số công ty tài chính "ăn đứt" nhiều ngân hàng bề thế. Đơn cử như Home Credit, báo cáo tài chính năm 2013 của Home Credit gây sốc trên thị trường khi thu nhập từ cho vay đạt hơn 1.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 530 tỉ đồng, cao gấp 5 lần kết quả năm 2012 và cao hơn số vốn điều lệ công ty 500 tỉ đồng. Mức lợi khủng này có được là nhờ mức lãi vay cao nhất thị trường mà Home Credit áp dụng nhiều năm nay cho nhiều khách hàng, từ 3 - 7%/tháng, tương đương từ 36 - 84%/năm.

Phải cảnh báo rủi ro khi cho vay

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng hiện nay được kiểm soát về lãi suất (LS) đầu vào và đầu ra. Cụ thể, LS đầu vào 5%/năm, cộng khoảng 3% (chi phí, dự phòng rủi ro...) chênh lệch thì đầu ra (cho vay) khoảng

7 - 8% cho 5 ngành ưu tiên; các ngành còn lại cũng ở mức trung bình 10 - 11%/năm. Với mức lãi vay này, hệ thống ngân hàng vẫn bị rơi vào tình trạng "ế vốn", phải tìm đủ mọi cách để tìm kiếm khách hàng. Nhưng các công ty tài chính cho vay trả góp cá nhân thì cơ quan quản lý khó kiểm soát được vì họ không được huy động vốn của dân mà thông qua hình thức phát hành trái phiếu hay vay mượn của công ty mẹ. Đây là lý do các công ty này biện minh cho việc đưa ra lãi vay cao ngất mà họ áp dụng trên thị trường. "LS cho vay 25%/năm đã cao, từ 30%/năm trở lên là quá cao, trên 40%/năm là “cắt cổ”, từ 70 - 80%/năm là đi vào ranh giới tín dụng đen", ông Hiếu nhận xét và đề xuất: "Cần có một bộ phận chuyên trách của cơ quan quản lý để kiểm soát LS, tránh hiện tượng chuyển giá thông qua hình thức vay nước ngoài LS cao. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có quy định về mức LS vay nào là cho vay nặng lãi".

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng cần trang bị kiến thức quản lý tài chính cho người dân từ ghế nhà trường, cũng như cơ quan chức năng ban hành các quy định yêu cầu đối với đơn vị cho vay phải minh bạch các điều khoản, từ ngữ hợp đồng dễ hiểu và đặc biệt phải đưa các cảnh báo rủi ro khi vay lên phía trên của hợp đồng để người vay được rõ.

Với một cái nhìn tổng thể, chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích: “Dân số VN gần 100 triệu dân, đa số là dân số trẻ nên nhu cầu tài chính tiêu dùng cá nhân càng cao. Vì thế, đây là thị trường hết sức tiềm năng. Đặc biệt, với thu nhập người dân qua các năm được cải thiện, dự báo nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, tiếp cận các dịch vụ một cách dễ dàng, rất nhiều người dễ trở thành “tù nhân” của những khoản vay tiêu dùng, bởi dù nhỏ nhưng với LS trên trời sẽ trở thành gánh nặng trong cuộc sống”.
 

Theo Thanh niên

.