Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2013. Sự sụt giảm của số dư tiền gửi liên ngân hàng là một trong nhiều điểm được chú ý.
 


Thu nhập lãi thuần trong quý 2/2013 giảm mạnh so với quý 2/2012, cũng như lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ. Trong quý 2/2013, khoản mục này của ACB chỉ đạt hơn 1.105 tỷ đồng, trong khi quý 2/2012 đạt gần 2.087 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm nay với năm ngoái tương ứng là hơn 2.337 tỷ đồng so với hơn 3.698 tỷ đồng.

Ở nguồn thu khác, đáng chú ý là ACB đã có lãi 30,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, trong khi cùng kỳ 2012 lỗ gần 174 tỷ đồng; nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 vẫn lỗ 53,6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 106,7 tỷ đồng.

Thêm vào đó, cũng như điểm chung ở một số ngân hàng khác, quý vừa qua ACB ghi nhận lợi nhuận đáng kể ở đầu tư chứng khoán, trong khi chi phí hoạt động tiếp tục được cắt giảm. Riêng chi phí hoạt động, ước tính ngân hàng này đã giảm lương bình quân khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm nay.

Tính chung, trong quý 2/2013 lợi nhuận sau thuế theo báo cáo hợp nhất của ngân hàng này chỉ đạt hơn phân nửa so với cùng kỳ 2012, 409 tỷ đồng so với 773 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 716 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu 2012 đạt hơn 1.607 tỷ đồng.

Kết quả trên có thể xem xét ở ảnh hưởng từ sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo cao cấp bị cơ quan chức năng xử lý hồi tháng 8 năm ngoái đến nay vẫn còn. Cùng với đó, hoạt động tất toán trạng thái vàng và sự vắng mặt của vốn vàng trong cơ cấu chung có thể gây xáo trộn nhất định, ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận. Và đáng chú ý là một nguồn thu lớn của ACB đã bị co lại.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2013 so với quý 2/2012 giảm hơn 364 tỷ đồng là do số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm từ gần 56 nghìn tỷ đồng tại ngày 30/6/2012 xuống chỉ còn hơn 11 nghìn tỷ đồng tại ngày 30/6/2013, góp phần làm cho thu nhập lãi thuần quỹ 2/2013 so với quý 2/2012 giảm tới hơn 981 tỷ đồng.

Liên quan đến vàng, đến 30/6/2013, ACB đã hoàn tất việc tất toán trạng thái vốn vàng huy động. Có khoảng 15,5 tấn vàng, ứng với khoảng 400 nghìn lượng cuối năm 2012 đã được ngân hàng này xử lý xong.

Và một điểm được chú ý khác, như từng được kiểm toán lưu ý ở kỳ báo cáo trước, tại ngày 30/6/2013, ACB vẫn tiếp tục kẹt gần 719 tỷ đồng được nêu trong báo cáo tài chính là tiền gửi đã quá hạn liên quan đến một ngân hàng khác chưa thể thu hồi, mà còn tùy thuộc vào quyết định của toàn án.

Đây chính là khoản tiền mà nhân viên ACB đi gửi ở VietinBank, liên quan đến vụ án Huyền Như xảy ra trong năm 2012. Báo cáo kỳ này vẫn chưa cho thấy ACB thực hiện trích lập dự phòng cụ thể cho khoản này.

Một điểm khác nữa cũng đang chờ được nêu cụ thể hơn trong báo cáo kiểm toán là các khoản vay của ông Nguyễn Đức Kiên và các bên có liên quan, chất lượng, việc trả lãi định kỳ và khả năng thu hồi của nó như thế nào. Tổng các khoản nợ này được một số tổ chức đầu tư đề cập gần đây là 7.128 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động cho vay, tính đến 30/6/2013 ACB đã đạt tăng trưởng tín dụng gần 7,5% so với 31/12/2012. Tỷ lệ nợ xấu đã suýt soát ở mức 3%; trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 1.150 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012 lên gần 1.782 tỷ đồng.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2013, ACB cũng đã khẳng định được niềm tin đối với thị trường xét ở góc độ huy động vốn. Số dư tiền gửi của khách hàng đã tăng đáng kể và đạt gần 142 nghìn tỷ đồng so với mức hơn 125 nghìn tỷ đồng cuối 2012.

Và đây có thể là một động lực quan trọng để ngân hàng này tìm hướng trở lại, sau những ảnh hưởng lớn về rủi ro pháp lý xẩy ra một năm về trước.
 

Theo Vũ Ca
VnEconomy