Biểu lãi suất tiền gửi đồng VN của các ngân hàng có sự khác biệt so với vài ngày trước. Một số ngân hàng thương mại nhà nước giảm mạnh lãi suất đối với kỳ hạn dài, tuy nhiên có đơn vị lại tăng lên.
Cụ thể, hôm nay 3-6, Agribank công bố tăng lãi suất tiền gửi bằng VND tiết kiệm cá nhân bằng VND kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/ năm, thay cho 6,2%/ năm trước đó, kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6,3% lên 6,80%/năm.
Đối với khách hàng là tổ chức, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 24 tháng cũng tăng lên 0,5% là 6,80%/năm.
Trong khi đó, biểu lãi suất của Vietinbank chỉ công bố kỳ hạn huy động dài nhất là 12 tháng với mức trần lãi suất là 6%/năm được áp dụng từ ngày 28-5. Theo đại diện của ngân hàng này, các kỳ hạn 18, 24 tháng cũng áp dụng mức lãi suất 6%/năm…
Ngược với việc giảm mạnh lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng, từ ngày 28-5, Vietinbank tăng lãi suất kỳ hạn ngắn 0,4-0,5%.
Cụ thể lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 4,5%/năm, 3 tháng là 5%/năm so với mức kỳ hạn tương ứng trước đó là 4%/năm và 4,6%/năm.
Còn BIDV niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức cao nhất so với các ngân hàng thương mại của nhà nước là 6,5%/ năm.
Tuy nhiên, lãi suất huy động của các kỳ hạn dài hơn 12 tháng lại bị kéo xuống. Cụ thể, kỳ hạn 24 và 36 tháng áp mức lãi suất huy động là 6,3%/ năm, kỳ hạn 13 và 18 tháng là 6,2%/ năm.
Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia, việc các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi là để đảm bảo cân đối nguồn vốn. Đây là việc rất bình thường trong thị trường.
Mặt khác, ông Phước cũng cho rằng ông không tin việc tăng lãi suất tiền gửi thì sẽ khiến các ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Vì nói gì thì nói, lãi suất phải tương quan với lạm phát. Thực tế, năm tháng đầu năm, lạm phát chỉ tăng rất thấp, có 0,2% so với tháng 12-2014.
Về số liệu tăng trưởng tín dụng, mới đây, trong báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tín dụng đối với toàn nền kinh tế tính đến ngày 20-5 ước tăng 4,26% so với cuối năm 2014, cao hơn đáng kể so với 1,11% cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh đó, tổng huy động tính đến hết quý 1 năm nay chỉ tăng chưa tới 1% so với đầu năm khi đạt 4.557 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn huy động bằng tiền đồng VN tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%.
Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá làm tỷ lệ cho vay/ huy động tăng lên 84%, cao hơn 1% so với tại thời điểm cuối năm ngoái.
Theo Tuổi trẻ