Lãi suất tăng chưa đáng lo ngại
Cập nhật lúc 23:17, Thứ hai, 14/03/2016 (GMT+7)
Vấn đề lãi suất tăng đang làm "nóng" các mặt báo trong những ngày gần đây, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì vấn đề này chưa đáng lo ngại, hệ thống thanh khoản vẫn đang được kiểm soát tốt. (lãi suất, Thông tư 36, hệ thống thanh khoản)
Vấn đề lãi suất tăng đang làm “nóng” các mặt báo trong những ngày gần đây, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì vấn đề này chưa đáng lo ngại, hệ thống thanh khoản vẫn đang được kiểm soát tốt.
Vài ngày trở lại đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động trở thành vấn đề “nóng” nhất trong hệ thống ngân hàng. Đầu tháng 3/2016, một số ngân hàng như Eximbank, SeaBank, OCB... đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên là 8-8,2%/năm.
Ghi nhận từ thị trường khu vực TP.HCM cho thấy, đến nay không phải tất cả các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng và chủ yếu áp dụng cho các kỳ dài hạn. Một số ngân hàng quy mô nhỏ có điều chỉnh lãi suất các kỳ ngắn hạn nhưng số lượng không đáng kể. Vì thế mức lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn dưới 6 tháng của hệ thống ngân hàng theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vẫn đang ở mức dưới trần quy định là 5,5%/năm.
Tại các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, lãi suất có vẻ “bình tĩnh” hơn. Với tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, VietinBank và BIDV cùng mức lãi suất 0,5%/năm; Oceanbank mức lãi suất 0,8%/năm và mức lãi suất cao nhất 1%/năm ở Agribank.
Nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng lãi suất huy động tăng nhưng không phải đối tượng nào cũng được hưởng, các mức lãi suất tăng chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và khách VIP với số tiền gửi rất lớn, do vậy lãi suất này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay.
BVSC cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc tăng lãi suất kỳ hạn dài vừa qua của một số ngân hàng là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là ngân hàng có tỷ trọng vốn trung dài hạn thấp (từ 1 năm trở lên).
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì việc Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40%, cũng phần nào tác động đến việc tăng lãi suất như hiện nay. Ông cũng nhận định rằng, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài sẽ còn được các ngân hàng nâng nhẹ trong thời gian tới.
Hệ thống thanh khoản vẫn ổn định
Chia sẻ về vấn đề lãi suất tăng “nóng” hiện nay, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, việc tăng lãi suất này chỉ diễn ra ở cục bộ. Việc tăng lãi suất huy động đến thời điểm này mới chỉ là động thái của các ngân hàng thương mại chứ chưa phải là động thái của thị trường, bởi lãi suất chỉ là một biến thiên của thị trường.
Ông Trung cũng nhấn mạnh, nếu muốn đánh giá về vấn đề lãi suất tăng giảm, có ảnh hưởng như thế nào, hay việc tăng này có phải là xu hướng của thị trường hay không thì phải nhìn ở nhiều khía cạnh chứ không vì một dấu hiệu nào đó mà đánh giá đó là diễn biến chung của thị trường được.
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất của các ngân hàng là nhằm bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản ở một số kỳ hạn và cũng nhằm giữ chân khách gửi tiền. Chính vì vậy nếu người dân tiếp tục rút tiền để gửi vào các ngân hàng có lãi suất cao hơn thì một số ngân hàng chưa tăng lãi suất sẽ chịu áp lực rủi ro thanh khoản. Đến khi đó, bắt buộc các các tổ chức tín dụng này phải điều chỉnh lãi suất và khi cuộc đua lãi suất huy động lan rộng, cộng với ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như chu kỳ tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thì các ngân hàng sẽ buộc phải tăng lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, quan sát từ đầu năm 2016 đến nay có thể thấy chưa có biểu hiện mất thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Ngược lại, dòng tiền tiết kiệm lại đang có xu hướng chảy mạnh vào kênh ngân hàng giúp thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức khá dồi dào, nhu cầu vay mượn qua thị trường mở (OMO) theo đó giảm rõ rệt.
Trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế chưa thực sự vững mạnh để chấp nhận mặt bằng lãi suất cho vay cao, cộng với việc NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức 18-20%, các ý kiến nhận định rằng các ngân hàng khó có thể tăng lãi suất đầu ra trong ngắn hạn. Vì làm vậy sẽ khó có thể thu hút khách hàng vay vốn, từ đó khó hoàn thành chỉ tiêu tín dụng cả năm, nhất là trong trường hợp tỷ lệ cho vay trung, dài hạn vào lĩnh vực bất động sản bị siết lại trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhiều khả năng NHNN có đủ công cụ để duy trì ổn định thanh khoản hệ thống, và trong năm 2016, NHNN sẽ giữ nguyên trần lãi suất huy động và kiểm soát mặt bằng lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Chúng tôi cũng cho rằng, NHNN có đủ khả năng và công cụ để duy trì ổn định thanh khoản hệ thống, và nhiều khả năng trong năm 2016 sẽ giữ nguyên trần lãi suất huy động và kiểm soát mặt bằng lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” - báo cáo của VCBS dự báo.
Phân tích rộng hơn, VCBS cho rằng, trong năm 2016 nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng thấp hơn năm 2015 do nguồn vốn tập trung hơn vào khu vực sản xuất kinh doanh trong khi đó tín dụng cho hoạt động xây dựng cơ bản và mua bất động sản có thể sẽ chững lại.
Theo NTD
.