Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%.

 


Trong các năm gần đây, dư nợ tín dụng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2012 là 14%, năm 2013 là 14,7%, năm 2014 đạt 15,2%, năm 2015 đạt khoảng 18%. Việc gia tăng tín dụng vào thị trường bất động sản trong thời gian qua cũng là điều bình thường do thị trường mới vừa phục hồi từ cuối năm 2013 cho đến nay, sau một thời kỳ bị khủng hoảng đóng băng kéo dài. Bên cạnh nguồn cung tín dụng, còn có nguồn kiều hối đổ vào đây. Chỉ riêng tại TP.HCM, năm 2015, có khoảng 23% trong số 5,5 tỷ USD kiều hối đổ vào thị trường bất động sản.

Theo HoREA (Hiệp hội Bất động sản), thị trường bất động sản đang phát triển theo hướng tốt và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Chưa xuất hiện hiện tượng “bong bóng” nên chưa cần siết chặt tín dụng như thời kỳ trước đây. Đặc biệt, nhu cầu về nhà ở tại thành thị còn rất lớn. Do vậy, việc sửa đổi Thông tư 36 có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường.

Trước tình hình đó, HoREA đã đề xuất một số giải pháp nhằm làm giảm những ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhất là tránh tác động tâm lý đầu tư của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Phương án 1: Trong trường hợp NHNN bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 thì Hiệp hội đề nghị thực hiện “Theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng” và “Theo lộ trình giảm dần” như dự thảo Thông tư của NHNN.

Phương án 2: Giảm trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 50% nhưng hệ số rủi ro vẫn giữ mức 150% thay vì 250% như đã quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

 

Theo NTD

.