Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang dồn sức hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2020 và đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVII (2016 - 2021) và là kỳ họp cụ thể hoá nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành các nghị quyết của HĐND, do vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Chính vì vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn các đại biểu phát huy cao dân chủ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; tập trung nghiên cứu tài liệu; tích cực tham gia thảo luận và chất vấn sôi nổi, thẳng thắn; đóng góp nhiều ý kiến thực sự chất lượng để kỳ họp đạt kết quả cao nhất. Mong muốn cử tri tỉnh nhà tham gia theo dõi để kỳ họp thành công tốt đẹp.
|
|
Năm 2020, Hà Tĩnh có 6/15 chỉ tiêu không đạt, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất kể từ năm 2016 lại nay. |
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã báo cáo tình hình hình kinh tế - xã hội năm 2020; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2021.
Theo đó, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tuy vậy, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, diễn biến dịch bệnh, thời tiết bất thường, đặc biệt đại dịch COVID-19 và mưa lũ xảy ra trong tháng 10 đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến đạt khoảng đạt 0,53%; trong đó: nông nghiệp tăng 3,76%, công nghiệp và xây dựng tăng 0,48%, khu vực dịch vụ giảm 0,43%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng, tương đương 2.700 USD. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 15,82%, công nghiệp - xây dựng 41,95%, khu vực dịch vụ 42,23%. Tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng thu ngân sách cả năm ước đạt 12.210 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán, bằng 90,6% so với năm 2019. Trong đó: Thu nội địa đạt 7.500 tỷ đồng (bằng 104,2% dự toán, bằng 103,7% so với năm 2019, đây là năm đầu tiên kể từ năm 2016 thu ngân sách nội địa vượt kế hoạch Bộ Tài chính giao); thu xuất nhập khẩu 4.710 tỷ đồng (bằng 69,3% dự toán, giảm 28,2% so với năm 2019), nguồn thu chủ yếu từ nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất dự án Formosa.
Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh phòng của địa phương.
Năm 2020, Hà Tĩnh thành lập mới 950 doanh nghiệp (giảm 8,4% so với năm 2019); 2.617 hộ kinh doanh (tăng 9,68%) và 38 hợp tác xã (tăng 15,15%). Chấp thuận chủ trương 62 dự án, trong đó 61 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.500 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD; ngoài ra, điều chỉnh vốn đầu tư 01 dự án FDI từ 1,2 triệu USD lên 32 triệu USD. Mặc dù tổng số dự án chấp thuận chủ trương đầu tư giảm mạnh so với năm 2019 nhưng số vốn đăng ký tăng cao hơn; vốn đầu tư trong nước tăng 2,7%, vốn đầu tư FDI tăng gấp 2,6 lần.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 26.393 tỷ đồng, đạt 72,13% kế hoạch; trong đó: vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 108,3% kế hoạch; vốn ngoài nhà nước đạt 85,7% kế hoạch; vốn FDI chỉ đạt 30,5% kế hoạch. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trên địa bàn ước đạt 1.352 triệu USD, bằng71% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 440,54 triệu USD (giảm 9,26% so với cùng kỳ); xuất khẩu mặt hàng thép từ Formosa ước đạt 388,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 88,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhập khẩu ước đạt 765,9triệu USD (giảm 35,82% so với cùng kỳ), chủ yếu từ nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất dự án FHS.
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/11/2020 đạt 6.606 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 71,4% kế hoạch).
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn khi kết quả thực hiện còn 6/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất kể từ năm 2016 lại nay. Thu xuất nhập khẩu giảm mạnh, tổng thu ngân sách không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2019. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, đặc biệt là huy động vốn FDI chỉ 30,5% kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu quan trọng khác.
Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh Covid 19 khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Cải cách hành chính một số mặt, lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.
|
|
Đại dịch COVID-19 và mưa lũ liên tiếp xảy ra trong tháng 10 đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2020. |
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, đây là năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; năm tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh... Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng nhấn mạnh.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe các báo cáo gồm: Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến tổng thể về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025...
Theo chương trình, kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra từ ngày 6/12 - 8/12. Tại kỳ họp sẽ thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung cử tri đang quan tâm trên các lĩnh vực: Ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng giống, cây trồng, vật nuôi; việc thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.