Trước tình hình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất vào ngày 29/10 vừa qua, một số ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn “cố” giữ lãi suất ở mức tương đối cao. Liệu lãi suất cao có trở thành “nam châm” hút được khách hàng? Hay người dân còn có mối quan tâm nào khác để cân nhắc trước khi quyết định gửi toàn bộ “vốn liếng” của gia đình?


Lãi suất huy động vốn trên 6 tháng giữa các ngân hàng hiện có sự chênh lệch đáng kể, liệu lãi suất cao có phải là mối quan tâm hàng đầu của người gửi tiền?

Trả lời câu hỏi trên, anh Tân (26 tuổi, ở TP.HCM), khách hàng đang giao dịch tại Vietcombank cho biết: “Công ty trả lương qua thẻ nào thì tôi sử dụng dịch vụ ngân hàng đó. Tôi cũng không quan tâm đến lãi suất và cũng không có ý định rút tiền lương để gửi vào ngân hàng khác có lãi suất cao hơn”.

Chị Hoài, một nội trợ ở Q.Gò Vấp chia sẻ: “Mình là tay hòm chìa khóa của gia đình, tuy không đi làm nhưng có bao nhiêu chồng đều kêu mình cất giữ. Thú thực mình cũng thích ngân hàng có lãi suất cao, vun vén được đồng nào hay đồng đó. Mình cũng hay “chẻ nhỏ” tiền để gửi ở các ngân hàng khác nhau với mức lãi suất tương đương để có chuyện gì thì bớt rủi ro”.

Chọn những ngân hàng gửi tiện lợi, uy tín cũng là tâm lý chung của nhiều người khi giao dịch. Anh Lộc (31 tuổi), cho biết: “Chỉ gửi tiền tiết kiếm vài chục triệu đồng nên tôi không quan tâm mấy đến lãi suất ngân hàng, chỉ cần ngân hàng đó gần nhà, có nhiều chi nhánh để tiện việc rút tiền là được”.

Đối với những người dân có nhu cầu gửi số tiền lớn, lãi suất cao thật sự là một điểm cộng ảnh hưởng đến quyết định của họ. Tuy nhiên, uy tín và độ lớn của ngân hàng vẫn được người gửi tiền quan tâm.

Anh Tấn Huy (41 tuổi), người đang có số tiền gửi khá lớn với lãi suất lên đến 8%/năm, cho biết: “Tôi rất quan tâm đến lãi suất của ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ thường có lãi suất rất hấp dẫn nhưng tôi vẫn thường cân nhắc rủi ro trước khi gửi tiền. Nếu lãi suất chỉ chênh lệch dưới 0,5%/năm thì tôi sẽ chọn ngân hàng có uy tín cao hơn”.

Người dân cần có kỹ năng đầu tư

Nhận định về lãi suất huy động vốn ngân hàng hiện tại Thạc sĩ Hồ Bá Tình, chuyên gia kinh tế độc lập có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng cho biết: “Chỉ trong năm qua NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất huy động ngắn hạn. Mức trần lãi suất hiện nay cũng phù hợp với biến động lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên, giải pháp có tính phi thị trường này thực tế khó mang lại hiệu quả. Việc giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm ít tác động thực sự đến chi phí của các ngân hàng và lãi suất đầu ra. Hơn nữa các giải pháp mang tính chất hành chính này về lý thuyết cũng khó mang lại hiệu quả. Biện pháp giảm lãi suất của NHNN chỉ có tác dụng về mặt tâm lý. Do vậy, tôi cho rằng NHNN khó giảm lãi suất thêm một lần nữa.

Hiện nay, lãi suất được xem là đang ở mức thấp nhất trong lịch sử Việt Nam nhưng lãi suất vẫn có thể giảm nữa. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Chính phủ. Dưới quan điểm cá nhân tôi cho rằng, lãi suất cũng có thể giảm nữa nhưng chắc chắn là không nhiều và cũng không phải là trọng yếu”.

Trả lời câu hỏi có nên gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng trong thời điểm này hay không, Thạc sỹ Hồ Bá Tình cho biết: “Chúng ta cần phải xét những trường hợp cụ thể. Nếu một người hoàn toàn không có kỹ năng để đầu tư như cổ phiếu, bất động sản, vàng… thì tất nhiên tiền nhàn rỗi của họ nên gửi vào ngân hàng dù lãi suất thấp. Những người có nhiều tiền họ vẫn có thể phân bổ tiền vào các kênh đầu tư khác nhau.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà đầu tư không nên mua vàng, hay ngoại tệ để đầu cơ như trước đây. Còn đối với các kênh đầu tư khác như cổ phiếu hay bất động sản thì khá hấp dẫn nhưng cần lưu ý do phải có những kỹ năng nhất định.

 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.