Mở cửa phiên giao dịch đầu ngày, tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng lại liên tục điều chỉnh giá vàng đi xuống. Đến 11h, mỗi lượng vàng SJC đã mất 2,2 triệu đồng, còn 37,7 triệu.
 
Sau nhiều lần điều chỉnh giảm, 11h sáng nay, 7/7, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC bán ra xuống mức 37,7 triệu đồng một lượng, giảm đến 2,2 triệu so với chốt phiên chiều qua. Giá mua vào chỉ còn 36,4 triệu đồng một lượng.
 
Trước đó, mở cửa phiên giao dịch, vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giảm 100.000 đồng, bán ra ở mốc 39,6 triệu đồng một lượng, mua vào 38,6 triệu. Đến 9h, doanh nghiệp này điều chỉnh giảm thêm 150.000 đồng mỗi lượng ở chiều bán ra, còn 39,45 triệu đồng một lượng. Giá mua vào cũng giảm tương ứng, đứng ở mốc 38,45 triệu đồng. Chênh lệch mua bán vẫn duy trì rộng ở mức 1 triệu đồng mỗi lượng.
 
Tại DOJI, chỉ 30 phút sau khi mở cửa, doanh nghiệp đã điều chỉnh liên tục 5 lần với tổng mức giảm mạnh đến 700.000 đồng cả 2 chiều mua bán. Lúc 9h giá bán ra chỉ còn 38,90 triệu đồng một lượng, mua vào ở mức 37,9 triệu đồng. 
 
Giá vàng 3 ngày qua tại Doji.
Giá vàng 3 ngày qua tại Doji.

 

Đến 11h, vàng tại DOJI đang giao dịch ở mức giá 36,55 triệu đồng/ lượng mua vào và 37,65 triệu/ lượng bán ra.

 
Giá tại các ngân hàng cũng điều chỉnh liên tục và không theo hướng nào. Tại Vietinbank, giá mua-bán ở mức 38,7-39,72 triệu đồng, chênh lệch mua bán chỉ 20.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, Eximbank sau khi điều chỉnh giảm 650.000 đồng so với chốt phiên hôm qua ở chiều bán ra, giá niêm yết hiện còn 38,9 triệu đồng, chiều mua vào giảm mạnh hơn, ở mức 850.000 đồng một lượng.
 
TP Bank Gold sau khi điều chỉnh tăng mạnh giá bán ra lên đến 40,1 triệu đồng mỗi lượng cuối giờ chiều qua thì mở cửa sáng nay giảm ngay 900.000 đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, đến 9h, đơn vị này lại điều chỉnh tăng 3 lần, với tổng cộng 200.000 đồng, với giá bán ra là 39,1 triệu, mua vào ở mức 38 triệu đồng.
 
Sacombank là đơn vị mạnh tay điều chỉnh giảm giá kim loại quý này sớm nhất. Lúc 9h30, giá mua-bán chỉ còn ở mức 37-38,5 triệu đồng một lượng, giảm mạnh 1 triệu đồng ở chiều bán ra và đến 1,2 triệu đồng chiều mua vào. Khoảng cách mua- bán nới rộng đến 1,5 triệu đồng.
 
Bảng giá (bán ra) liên tục được điều chỉnh trong hơn 1 giờ đồng hồ ở một doanh nghiệp vàng sáng nay.
Bảng giá (bán ra) liên tục được điều chỉnh trong hơn 1 giờ đồng hồ ở một doanh nghiệp vàng sáng nay.

 

Đủ nguồn lực can thiệp

 
TS Nguyễn Thế Hùng, Ủy viên thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, khuyên người dân nên bình tĩnh trước sự biến động quá mạnh quá giá vàng.
 
Ông Hùng nhận định, đã có sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn so với giá thế giới trong vòng một tuần qua. Việc chênh lệch giá vàng giữa mua vào và bán ra lên tới một triệu đồng thể hiện sự bất thường, không hợp lý ở góc độ thị trường. Chênh lệch này cũng giúp các cơ sở kinh doanh vàng kiếm lời.
 
Vị chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét lại biến động này, để có những điều chỉnh cho hợp lý.
 
TS Hùng cũng nhắc lại lịch sử giá vàng trong nước lên tới 49 triệu đồng một lượng ở thời điểm năm 2011 thì đã có sự đổ xô đi mua vàng, và sau đó giá vàng đã cắm đầu đi xuống dưới 30 triệu đồng/lượng.
 
Giá vàng đi ngang suốt tháng 6 và tăng dựng đứng trong tuần đầu tháng 7, rồi rớt mạnh sáng nay 7/7. Giá bán ghi nhận lúc 10h30. Đồ họa: Phượng Nguyễn
Giá vàng đi ngang suốt tháng 6 và tăng dựng đứng trong tuần đầu tháng 7, rồi rớt mạnh sáng nay 7/7. Giá bán ghi nhận lúc 10h30. Đồ họa: Phượng Nguyễn

 

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày qua chủ yếu là do tác động tâm lý của thị trường sau công bố Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

 
Với diễn biến bất thường của giá vàng trong nước, ông Cảnh nhận định giá vàng trong nước vốn diễn biến phù với biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, từ chiều 5/7 đến 6/7, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới, và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới.
 
Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
 
Mặc dù vậy, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.
 
Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường, sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.
 
Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng. Người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán, tránh những rủi ro không đáng.
 
Theo Phát Tiến (Zing)
.