Việc FED tăng lãi suất sẽ phần nào tác động đến Việt Nam trong đó nổi cộm lên là vấn đề lãi suất. Theo dự báo, năm 2016 lãi suất của Việt Nam sẽ có những biến động.

 


Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết khi FED nâng lãi suất cơ bản, chi phí vay vốn bằng USD của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên. Ngoài ra, áp lực lên tỷ giá cũng sẽ tăng trừ khi lãi suất VND cũng được điều chỉnh tăng để duy trì sự hấp dẫn của đồng nội tệ. Đây cũng là một bài toàn khó vì chúng ta vẫn cần duy trì mặt bằng lãi suất đủ thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Hải, Ngân hàng Nhà nước đã rất đúng đắn khi không khuyến khích cho vay ngoại tệ cho các doanh nghiệp không có nguồn thu xuất khẩu đã phần nào giảm lượng vốn vay ngoại tệ trên thị trường trong vài năm trở lại đây. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên thị trường ngoại hối khi thị trường đổi chiều.

Ngân hàng Nhà nước khó có khả năng cắt giảm lãi suất VND trong ngắn hạn thêm nữa khi FED nâng lãi suất cơ bản vì chúng ta vẫn cần duy trì vị thế của VND.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, xu hướng vay ngắn hạn bằng ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng tại nước ngoài đã tăng lên khá mạnh. Khi FED nâng lãi suất cơ bản, các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ cần chủ động xem xét các phương án phòng chống rủi ro về lãi suất USD và tỷ giá.

Trong trường hợp thị trường ngoại hối trong nước có biến động nhất thời, doanh nghiệp và người dân nên cẩn trọng khi tham gia mua bán. Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã rất khác so với các năm trước đây và cũng rất khác so với các nước trong khu vực.

Hiện chúng ta có cán cân thanh toán thặng dư, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vốn FDI vẫn chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn so với các nước khác. Do đó, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hoàn toàn có khả năng đáp ứng được cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh việc FED tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá rất lớn vì giá trị của đồng USD sẽ tăng lên và mức cầu của đồng USD cũng tăng theo... dẫn đến áp lực lớn lên tỷ giá.

Mặt trái của việc đồng USD mạnh lên là lòng tin của người dân vào VND có thể bị lung lay và nó có thể tác động tới lạm phát vì hàng nhập khẩu có thể phải trả một lượng tiền đồng lớn hơn, nợ công cũng tăng lên nếu tính bằng tiền đồng. Tuy nhiên, sẽ tác động đến nền kinh tế, trước hết là xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh việc FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối của Việt Nam và các nền kinh tế nói chung. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá chỉ là sớm hay muộn thôi, nếu không làm thời điểm này thì sang đầu năm 2016 Ngân hàng Nhà nước cũng phải điều chỉnh vì chúng ta không nhìn thấy lý do giá trị của đồng USD giảm xuống. Nếu xét thấy không cầm cự được nữa thì Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá càng sớm càng tốt.

Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới rất lớn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn tạo ra được trạng thái ổn định cho câu chuyện kinh doanh trong dịp trước và sau Tết và cũng đã đưa ra thông điệp cam kết như vậy.

“Tôi nghĩ với mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ hiện nay, với việc dự trữ ngoại hối hiện nay của Ngân hàng Nhà nước và với việc sử dụng đồng bộ các công cụ thì Ngân hàng Nhà nước có thể đảm bảo được tỷ giá từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới. Tuy nhiên, năm 2016 có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ phải linh hoạt hơn”, ông Lực phân tích.

Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia khác cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới là đúng đắn và cần thiết bởi Việt Nam không thể cùng lúc tăng trưởng kinh tế cao, giữ được dự trữ ngoại hối tương đối, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều và thúc đẩy thương mại phát triển.

 

Theo NTD

.