Dù ngân hàng dùng nhiều cách hút khách vay tiền nhưng tăng trưởng tín dụng cũng chỉ bằng nửa huy động vốn.
Từ giữa tháng 8, BIDV cũng tung ra gói tín dụng trị giá 3.500 tỷ đồng với lãi suất 7,8%/năm cho khách hàng có nhu cầu nhà ở. Cũng trong gói này, khách hàng còn có cơ hội nhận thêm 10 triệu đồng bằng tiền mặt hoặc hiện vật.
Đối tượng vay vốn tại Vietinbank rộng hơn. Tất cả khách hàng mới đều có cơ hội hưởng ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,99%/năm. Thời gian ưu đãi lãi suất tối đa lên tới 6 tháng.
Với các dự án liên kết của ngân hàng, khách hàng thậm chí còn cơ hội vay với lãi suất siêu ưu đãi, thấp hơn cả lãi suất huy động. Khi vay mua căn hộ Starcity Lê Văn Lương tại Oceanbank, khách hàng chỉ phải trả lãi suất "lùn" 5,91%/năm. Thậm chí, khi mua căn hộ tại chung cư The Sparks, khách hàng được nhận lãi suất siêu ưu đãi 1,99%/năm.
Khi nộp hồ sơ vay vốn, khách hàng nào cũng mong sớm được giải ngân. Vì vậy, trước đây rất nhiều ngân hàng như Namabank, Abbank,… đã chiều khách bằng chương trình vay siêu tốc. Tới đầu tháng 9, Techcombank hâm nóng chương trình vay siêu tốc bằng cách quảng cáo rầm rộ.
Theo đó, khách hàng sẽ nhận được tiền chỉ sau 16 giờ làm việc. Không chỉ có vậy, với gói này, mức lãi suất mà Techcombank đưa ra khá khiêm tốn, chỉ 7,99% trong 3 tháng đầu tiên.
Có thể thấy, các ngân hàng đã và đang rất nỗ lực khai thông nguồn vốn. Tuy nhiên, lượng vốn được giải ngân dường như vẫn thấp hơn so với nhu cầu và so với tiềm lực của các nhà băng.
Trong cuộc họp báo tháng 8 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tính tới 26/8, tăng trưởng tín dụng đạt 4,5% so với cuối năm 2013.
Theo quy luật, tín dụng thường tăng mạnh trong các tháng cuối năm, do đó, khả năng hết năm sẽ đạt khoảng 10%. Trong khi đó, các nhà điều hành đề ra mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12-14% trong năm 2014.
Huy động nhiều
Trong thời gian này, không chỉ lãi suất cho vay giảm, lãi suất huy động cũng đi lùi. Không thông báo rầm rộ, một số ngân hang âm thầm giảm lãi suất huy động.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính tới 15/8, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,1%/năm.
Sau báo cáo này của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã lập kỷ lục mới về lãi suất. Theo đó, lãi suất huy động ở kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này giảm xuống 4,8%/năm kể từ 25/8. Ngoài ra, lãi suất ở hàng loạt kỳ hạn khác cũng giảm nhẹ.
Mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng đang giảm nhưng vẫn còn sức hấp dẫn. Lượng khách hàng tới gửi tiết kiệm vẫn khá ổn định.
Chị Nguyễn Thị Lan (Minh Khai – Hà Nội) lý giải nguyên nhân “chung thủy” với kênh tiết kiệm: “Lãi suất bây giờ cũng thấp nhưng rất an toàn. Các kênh đầu tư khác bấp bênh hơn. Kinh tế ổn định, vàng chắc không còn cửa tăng giá. Chứng khoán tăng nhưng vẫn có rủi ro. Còn bất động sản có lẽ phải mất nhiều thời gian để phá băng”.
Với quan điểm trên, chị Lan khẳng định sẽ tiếp tục gửi tiết kiệm dù lãi suất giảm nữa. Có lẽ, không ít người dân có cùng suy nghĩ với chị Lan nên huy động vốn vẫn có tốc độ tăng trưởng cao.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính tới 26/8, huy động vốn tăng 8,12% (huy động bằng VND tăng 8,77%, huy động bằng ngoại tệ tăng 4,2%) so với cuối năm 2013.
Theo VTC