Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2014, nhiệm vụ 2015 cũng như trao đổi bên lề với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về câu chuyện lãi suất và cho rằng lãi suất cho vay, nhất là lãi suất trung, dài hạn còn khá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 


Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng (đoàn Thành phố Hà Nội) nhận định, lãi suất cho vay thấp hiện chủ yếu ở 4 ngân hàng thương mại lớn và chỉ cho khách hàng có khả năng trả nợ vay. Còn mặt bằng chung của lãi suất cho vay ngắn hạn là 8 - 10%, cho vay trung và dài hạn là 11 - 12%.

“Với mức lãi suất cho vay 11 - 12% doanh nghiệp rất khổ, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay,” ông Hùng thẳng thắn.

Theo đánh giá của ông Hùng, lãi suất cho vay giảm chậm là do lãi suất huy động còn cao, có nơi huy động hơn 8%. “Trong điều kiện kinh tế hiện nay, hoạt động gì để có lãi 7 - 8%/năm? Bên cạnh đó, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng còn thấp, tỷ lệ vốn huy động của các ngân hàng chiếm 90 - 95%. Với lãi suất như vậy thì nhiều doanh nghiệp bị phá sản và ảnh hưởng tới ngân hàng do nợ xấu tăng. Có những ngân hàng yếu kém bị thâm hụt ngày càng sâu, năm sau lỗ cao hơn năm trước, vốn điều lệ chỉ có 4.000 - 5.000 tỷ đồng, chưa kể vốn đó là thật hay ảo nữa,” ông Hùng tiết lộ.

Theo ông Hùng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, lãi suất cho vay chỉ nên 6 -7%/năm thì mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được mức lãi suất này, các ngân hàng phải mạnh dạn giảm lãi suất huy động xuống 4-5%/năm. Nhưng nếu giảm xuống mức đó, khách hàng sẽ chuyển sang gửi ngân hàng khác và thanh khoản của nhiều ngân hàng sẽ căng thẳng.

Vì vậy, ông Hùng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước phải “cầm trịch” trong câu chuyện lãi suất. Như hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ đang lệch, chỉ giữ cho ngân hàng mà không quan tâm đến lĩnh vực khác.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay là phù hợp. Duy chỉ còn lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn là rào cản đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn.

"Để xử lý điểm nghẽn trong kênh tín dụng, tôi đề nghị nên mạnh dạn giảm lãi suất trung hạn, nếu cứ giữ mức 10, 11, 12% những doanh nghiệp làm ăn được họ cũng không vay. Muốn giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương phải giảm lãi suất tái cấp vốn, đồng thời ngân hàng thương mại cũng phải tiết giảm để lãi suất đầu ra ở mức chấp nhận được," ông Lịch kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Lịch, các ngân hàng thương mại cần cố gắng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5-4% hiện nay xuống còn 2,5-3% để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay.

Còn đại biểu Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) thì bày tỏ lo lắng khi việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn do còn vướng cơ chế vì liên quan đến nợ xấu cũng như sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Ông Thanh nhận định tăng trưởng tín dụng quý IV năm 2014 khó mà đạt chỉ tiêu cho cả năm bởi thực tế từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng không đạt và bấp bênh./.
 

Theo Vietnam+

.