Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, trong quá trình tái cơ cấu lại hệ thống, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã “ bộc lộ” không ít sai phạm, yếu kém, chứa đựng nhiều rủi ro, tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động lành mạnh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Hàng loạt các “sếp” ngân hàng vướng vòng lao lý
Cái tên nổi bật nhất trong danh sách này có thể nhắc tới ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.
Ngày 21/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.
Đến ngày 24/10/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn, cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Hà Văn Thắm.
Theo điều tra ban đầu, tháng 11/2012, ông Thắm đã ký các quyết định cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng. Việc cho vay này là sai quy định dẫn đến hậu quả mất khả năng thanh toán.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Minh Chuyển - nguyên Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Đô bị khởi tố vì liên quan đến các sai phạm trong ký kết hợp đồng tín dụng, dẫn tới nợ đọng khó đòi kéo dài lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Sáng 10/6/2015, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (Cục A92) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra hành vi vi phạm các qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với ông Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Tây Đô và ông Trần Anh Huy, nguyên trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Tây Đô.
Được biết, các bị can bị khởi tố và các cán bộ bị kỷ luật có liên quan đến các sai phạm trong ký kết hợp đồng tín dụng đã dẫn tới nợ đọng khó đòi kéo dài lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Sau khi cách chức hàng loạt cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Trọng Phát, Giám đốc chi nhánh Vĩnh Long làm Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Đô.
|
Ông Đỗ Trọng Phát (phải) được điều động, bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Vietcombank Tây Đô thay cho ông Chuyển |
Phát hiện nhiều sai phạm trong toàn hệ thống
Xung quanh những sai phạm tại Vietcombank Tây Đô, vào tháng 12/2014, qua kết quả kiểm toán của Đoàn kiểm tra nội bộ thuộc Vietcombank cho thấy, hoạt động tín dụng của Vietcombank Tây Đô có dấu hiệu suy giảm về chất lượng, lý do là khách hàng của chi nhánh này đang gặp khó, khả năng thu hồi vốn không đạt yêu cầu dẫn đến nợ xấu tăng cao. Đại diện Vietcombank cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Vietcombank - chi nhánh Tây Đô thiếu xót trong công tác thẩm định, giải ngân và kiểm soát hoạt động cho vay tín dụng.
Tính đến đầu năm 2015, bộ phận kiểm toán phát hiện có đến khoảng 2.300 tỷ đồng nằm trong nhóm khách hàng dạng có hợp đồng sai quy trình dẫn đến nợ xấu chiếm trên 47% tổng dư nợ của Vietcombank - chi nhánh Tây Đô.
Ông Đỗ Trọng Phát - Giám đốc Vietcombank Tây Đô thừa nhận: “Vấn đề này xuất phát từ việc cho vay không đúng quy trình, quy chế của Vietcombank, cũng như của Ngân hàng Nhà nước do vậy dẫn đến sai phạm trong việc cấp tín dụng cũng như các khoản đầu tư cho khách hàng”.
“Về vấn đề này chúng tôi phải rút kinh nghiệm, đây là bài học lớn cho cán bộ cũng như tập thể chi nhánh, cũng như là các nhân viên ngành ngân hàng, chúng ta phải tuân thủ các quy trình, quy chế và đảm bảo kiểm tra kiểm soát sao cho vay thật là chặt chẽ” - Ông Đỗ Trọng Phát, Giám đốc Vietcombank Tây Đô cho biết thêm.
“Đối với vụ việc Vietcombank Tây Đô tại Trà Nóc mức độ tín chấp vụ việc có phần nghiêm trọng hơn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua. Đây là vụ việc liên quan đến hoạt động tổ chức tín dụng, nếu đơn vị chủ quản tăng cường việc kiểm tra, giám sát hàng năm, hàng quý hoặc định kỳ thì đã có thể ngăn chặn nợ ở giá trị thiệt hại nhỏ và trách nhiệm cán bộ tín dụng cũng chỉ chịu ở mức thấp hơn chứ không phải như hiện nay” - Ông Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ phân tích.
Ngoài ông Chuyển, cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố bắt giam ông Trần Anh Huy - nguyên Trưởng phòng Tín dụng của chi nhánh ngân hàng này, trước đó Vietcombank đã kỷ luật hàng loạt cá nhân liên quan đến những sai phạm nói trên. Cách đây không lâu, dư luận hết sức bức xúc về việc thất thoát hàng ngàn tỷ đồng có liên quan đến hoạt động cho vay vốn của nhiều tổ chức tín dụng với một doanh nghiệp thủy sản ở Sóc Trăng. Điểm chung của các vụ việc nói trên đều xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân tổ chức liên quan, hậu quả của nó không hề nhỏ và sẽ chưa dừng lại ở đó nếu cơ chế giám sát về cho vay trong hoạt động của các tín dụng còn lỏng lẻo.
Gần đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại một thương lớn của ngành ngân hàng là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank).
|
|
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, VietinBank đã để xảy ra nhiều sai phạm khuyết điểm, vi phạm cả trong huy động vốn, hoạt động cho vay và chuyển cơ quan Công an điều tra 6 vụ việc tại Vietinbank.
Đó là các vụ việc: Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Ninh Bình, vay vốn tại Vietinbank Hoàng Mai, Công ty TNHH thương mại 2-10 vay vốn tại Vietinbank Hoàng Mai, khách hàng cá nhân Trần Văn Sơn vay vốn tại Vietinbank Hoàng Mai, Công ty TNHH Nam Long vay vốn tại Nhà Bè, Công ty TNHH Trường Ngân vay vốn tại chi nhánh Nam Sài Gòn và khách hàng cá nhân Hàn Thị Phước và Đào Anh Tuấn vay vốn tại chi nhánh Tây Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ chỉ một số chi nhánh huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; chi hoa hồng môi giới, tiếp thị bằng tiền mặt không đúng quy định, thực chất là lách quy định về trần lãi suất để chi tăng lãi suất tiền gửi cho khách hàng.
Ngân hàng chưa đăng ký giao dịch đảm bảo với tài sản đảm bảo; chưa mua bảo hiểm máy móc, thiết bị, giảm tài sản đảm bảo khi chưa tất toán khoản vay bất hợp lý, vi phạm Nghị định 163. Hoạt động đầu tư tài chính cũng có không ít vi phạm, như sử dụng vốn trái phiếu quốc tế không đúng cam kết trong cáo bạch, việc huy động không đạt mục tiêu đề án, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Việc đầu tư trái phiếu vào các doanh nghiệp của VietinBank còn những vi phạm như thẩm định chiếu chặt chẽ, chưa chính xác...
Qua kiểm tra 26 hồ sơ có tổng giá trị cho thuê trên 406 tỷ đồng, cơ quan thanh tra xác định tỷ lệ nợ xấu trên 11% trong khi công ty chỉ phân loại trên 4%.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, việc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý quỹ Vietinbank đầu tư 252,5 tỷ đồng tại Tổng công ty Thép Việt Nam, góp 40 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Mỹ Đình và đầu tư 25 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khu đô thị Nam Quảng Ngãi 25 đã không mang lại hiệu quả...
Theo Thanh tra Chính phủ, việc 6 tổ chức, cá nhân vay vốn này có dấu hiệu vi phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng quy định tại các Điều 179 và 278 Bộ luật Hình sự.
Trước những sai phạm tại Ngân hàng Vietinbank, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý truy thuế hơn 75 tỷ đồng; yêu cầu Chủ tịch và Tổng Giám đốc xử lý hơn 300 tỷ đồng gồm các khoản quỹ và tiền gửi khác.
Cần đẩy nhanh quá trình sáp nhập nhiều ngân hàng nhỏ, yếu kém
NHNN đã ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 15/7; theo đó yêu cầu các cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng xuống dưới giới hạn cho phép vào cuối năm nay.
Sắp tới, sẽ có thêm ít nhất bốn ngân hàng “biến mất” nếu các thương vụ M&A ngân hàng diễn ra “êm đẹp”.
Sau thương vụ sáp nhập MHB - BIDV, MDB - MaritimeBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua trong thời gian 2 quý đầu năm, sắp tới sẽ có thêm thương vụ M&A như SouthernBank - Sacombank, Eximbank - NamAbank...
Theo thông tin từ HĐQT Sacombank, Ngân hàng sẽ tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường 2015 vào ngày 30/6/2015 để thông qua phương án sáp nhập SouthernBank vào Sacombank và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. Ngày 11/6/2015 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham gia Đại hội bất thường của Sacombank.
Trước đó, vào ngày 20/4/2015 tại ĐHCĐ thường niên SouthernBank, ông Trầm Bê, cố vấn cấp cao của SouthernBank, đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cho biết, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong thương vụ sáp nhập là 1: 0,75 (tức 1 cổ phiếu SouthernBank chuyển đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank).
Năm 2014, SouthernBank chỉ đạt 1,2 tỷ đồng lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, trong khi, nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC, thì lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 3.445 tỷ đồng. Hai nhà băng này có “dáng dấp” của một chủ sở hữu, nên cái được lớn nhất trong thương vụ sáp nhập chính là xóa sở hữu chéo.
Còn với thương vụ PGBank sáp nhập VietinBank cũng đã được được NHNN thông qua và khả năng, thương vụ này sẽ được ký kết trong vài ngày tới.
VietinBank đã có vốn điều lệ 38.000 tỷ đồng. Sáp nhập thêm PGBank, tăng thêm 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ được xem là mức tăng không lớn, nhưng Vietinbank lại nhìn thấy những lợi ích khác từ vụ sáp nhập này.
Có lẽ, thương vụ M&A được thị trường chờ đợi chính là Eximbank - NamABank. Thông tin giữa hai bên vẫn chưa được lãnh đạo các nhà băng này tiết lộ, nhưng trong danh sách ứng cử vào thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã có 2 gương mặt đến từ NamABank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Eximbank trên 20%.
Trong khi đó, gần đây, thông tin DongA Bank sáp nhập ABBank cũng đang rộ lên, nhưng DongA Bank vẫn chưa chốt ngày ĐHCĐ thường niên 2015.
Mục tiêu chung NHNN năm 2015 sẽ triển khai quyết liệt M&A để theo dõi trong 6 tháng cuối năm cho hoạt động được ổn định hơn. Quá trình tái cơ cấu ngành trong 3 năm qua, NHNN khuyến khích các ngân hàng sáp nhập tự nguyện, nhưng hiện còn một số ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính. Để có thể tồn tại trong thời gian tới, các ngân hàng này buộc phải tìm kiếm đối tác để cùng hợp sức phát triển.
Theo Báo xây dựng